Tinh hoa văn hóa Thái trong đời sống thường ngày

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/9/2019 | 1:51:04 PM

YênBái - Một ngày của chị Lường Thị Chung ở bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ bắt đầu từ rất sớm. Việc đầu tiên của chị là búi tằng cẩu gọn gàng, bận trang phục truyền thống phẳng phiu rồi mới đến các công việc khác. Mấy năm nay, nhà chị mở dịch vụ homestay nên ngoài việc đồng áng, chị còn phải tiếp đón, nấu ăn phục vụ du khách...

Văn hóa dân tộc ngay trong cuộc sống hàng ngày đã giúp nhiều gia đình người Thái Mường Lò làm dịch vụ du lịch homestay nhanh chóng.
Văn hóa dân tộc ngay trong cuộc sống hàng ngày đã giúp nhiều gia đình người Thái Mường Lò làm dịch vụ du lịch homestay nhanh chóng.

Dù khá bận bịu song chị vẫn luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống từ trang phục đến các tập tục trong gia đình.

 Chị chia sẻ: "Không phải vì mình làm du lịch mà như vậy đâu mà là mình yêu thích và muốn gìn giữ những tập tục văn hóa trong gia đình, đó cũng là tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên. Ở Mường Lò này tất cả người Thái chúng mình đều như vậy đó”. 

Đất Mường Lò với 44% dân số là người Thái và ai cũng yêu văn hóa dân tộc như chị Chung nên không lấy làm lạ khi vùng đất này vẫn giữ được nhiều nét văn hóa Thái lâu đời và đặc sắc. Nhiều du khách vô cùng thích thú khi thăm quan các bản làng người Thái còn mang vẻ nguyên sơ, đậm văn hóa truyền thống đặc trưng dù đang trong sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh những dãy phố hiện đại với những dãy nhà cao tầng san sát, nép bên những dòng suối hiền hòa hay bên những cánh đồng bất tận, Mường Lò vẫn còn đó vẹn nguyên những nếp nhà sàn truyền thống của người Thái từ kiến trúc hay những chi tiết trên từng mái nhà. 

Bởi với người Thái, nhà không chỉ là nơi để ở, nó còn mang cả những ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong đời sống tinh thần và với họ nó như máu chảy trong huyết quản, giống như xòe hay những nét đẹp văn hóa khác. 

Chính bởi điều này nên việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống ở Nghĩa Lộ hoàn toàn thuận lợi. Và cũng bởi lẽ đó, khi chủ trương phát triển du lịch homestay thì Mường Lò như "sẵn nong, sẵn né”, chỉ hướng dẫn thêm chút thôi là nhà nhà có thể làm du lịch. Do vậy, vài năm trở lại đây, loại hình du lịch này phát triển mạnh mẽ ở Mường Lò. 

Đến với Mường Lò bất kỳ mùa nào, du khách đều không phải hối hận, vì những trải nghiệm văn hóa Thái ngay trong chính cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như vào mùa xuân, du khách sẽ dự những sinh hoạt văn hóa độc đáo như: lễ hội "Xên bản xên mường” tức  cúng bản cúng mường tri ân các bậc có công khai phá và đấu tranh bảo vệ đất Mường Lò; dự sinh hoạt "Hạn khuống” - một hình thức diễn xướng sân khấu sơ khai, nơi trai gái hát đối giao duyên; dự hội "Lồng tồng", tức hội xuống đồng - một sinh hoạt độc đáo của cư dân lúa nước. 

Sang mùa hạ, tháng 7, du khách được dự tết Xíp xí - ngày tết lớn nhất nhì của người Thái với những tục cúng lễ độc đáo, thưởng thức các món ăn dân tộc: xôi nếp ngũ sắc, thịt trâu sấy, gà nướng, cá suối, rau rừng, rêu suối... 

Trong tiếng "khắp mơi lảu”, tức hát mời rượu, trong men rượu ngọt dịu, trong chan chứa tình người, du khách và người dân bản địa cùng tay trong tay với vòng xòe bất tận, để cảm nhận được tinh túy đất trời của một vùng đất lịch sử và huyền thoại. Và cũng từ đó, ngày càng nhiều những người yêu văn hóa Thái. 

Họ tự tìm tòi, khám phá những thú vị khi cảm nhận trong phiên chợ vùng cao với muôn sắc mầu của văn hóa dân tộc, trong kiến trúc nhà sàn, trong mỗi điệu xòe và ngay trong mỗi món ăn mang trong đó quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc khiến du khách như được sống trong sự chiêm nghiệm về quá khứ, hiện tại, tương lai, để rồi phát hiện ra rằng những tinh hoa của văn hóa Thái - điều hút họ đến với Mường Lò có ở ngay trong đất, nước, con người, đời sống của người dân nơi đây.

Thanh Ba