Lục Yên chuyển động nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/9/2019 | 7:45:02 AM

YênBái - Khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu hết các xã của Lục Yên có điểm xuất phát thấp. Toàn huyện có 19 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí (chiếm 82,6%), 4 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 17,4%), không có xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên, bình quân toàn huyện chỉ đạt 5,4 tiêu chí/xã.

Người dân xã Tân Phượng, huyện Lục Yên thu hoạch cam.
Người dân xã Tân Phượng, huyện Lục Yên thu hoạch cam.

Trong khi đó, dân cư phân bố không đều; sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp; chất lượng nguồn nhân lực thấp; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở mức cao. Do vậy, việc huy động nguồn lực trong nhân dân rất khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Xác định rõ những khó khăn, thách thức đó, huyện Lục Yên đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện ở từng địa phương… 

Đặc biệt, để thu hút, tận dụng các nguồn lực xây dựng NTM, huyện thành lập Ban vận động, Ban Quản lý Quỹ "Chung tay xây dựng NTM” và huy động sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện. Cùng đó, triển khai, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, người dân về xây dựng NTM để mọi người nắm rõ mục đích, yêu cầu, nội dung cơ bản của xây dựng NTM. 

Giai đoạn 2010 - 2019, huyện đã xây dựng 480 chuyên mục "Lục Yên chung sức xây dựng NTM"; phát sóng trên 600 lượt tài liệu tuyên truyền về xây dựng NTM, đưa trên 2.400 tin, bài; xây dựng 800 pa-nô, áp phích; treo trên 500 băng rôn và 50 lượt tuyên truyền bằng xe loa lưu động về xây dựng NTM.

Nhờ những nỗ lực trên, từ 2016 đến nay, Lục Yên đã huy động được trên 2.472 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 226,924 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 206,963 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh 107,339 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 99,624 tỷ đồng, vốn tín dụng trên 1.956 tỷ đồng, vốn cộng đồng dân cư trên 42,894 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn doanh nghiệp, vốn lồng ghép và các nguồn vốn khác. 

Đặc biệt, toàn huyện đã vận động đoàn viên, hội viên, nông dân hiến trên 63 ha đất các loại; gần 50.000 cây cối, hoa màu; trên 120.000 ngày công để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang nhà văn hóa thôn. 

Tiêu biểu phải kể đến các hộ gia đình: ông Hoàng Văn Viễn, thôn Sài Lớn, xã Trung Tâm; ông Hoàng Trung Nghĩa, thôn Nà Pan xã Tô Mậu; ông Mông Văn Thời, thôn Nà Khao, xã Yên Thắng; Công ty TNHH Tuấn Đại Dương, thôn Ngòi Vặc, xã Minh Xuân... 

Bà Lương Vân Hường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết: "Từ nguồn vốn huy động, huyện đã hỗ trợ các địa phương tu sửa nhà văn hóa xã, sửa chữa một số tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn, lắp đặt cụm loa truyền thanh ở thôn, hỗ trợ làm đường điện nơi chưa có điện thắp sáng, xây dựng các bể thu gom rác thải cụm dân cư, bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng mô hình ánh sáng đường quê…”. 

Với cách làm đồng bộ, sáng tạo đến tháng 6/2019, huyện Lục Yên đã có 3 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM; 4 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, bình quân toàn huyện đạt 11,65 tiêu chí/xã, còn 10 xã đạt dưới 10 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 7 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 12,2 triệu đồng (năm 2010) đạt  28,28 triệu đồng (năm 2018). 

Đột phá trong 10 năm xây dựng NTM ở Lục Yên là phát triển giao thông nông thôn. Tính đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 33 công trình cầu, cống các loại; sửa chữa, cải tạo 13 công trình cầu, ngầm kè. Đồng thời, kiên cố hóa, mở mới 585,9 km đường giao thông nông thôn các loại, nâng tổng chiều dài đường giao thông toàn huyện lên 1.153,55 km. 

Trong đó, mở mới các tuyến đường đất 228,84 km; kiên cố hóa đường bê tông xi măng, láng nhựa 357,06 km, nâng tổng số chiều dài đường giao thông kiên cố hóa lên 519,57 km; tỷ lệ đường giao thông nông thôn toàn huyện đã được cứng hóa đạt 60%, trong đó kiên cố hóa đạt 47%. 

Trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh như vùng cây ăn quả có múi, vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng ngô, vùng lạc đỏ thương phẩm, vùng nguyên liệu quế, vùng trồng tre lấy măng… 

Ngành chăn nuôi từng bước sắp xếp lại quy mô sản xuất, chuyển dần sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. 10 năm qua, huyện đã tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước thông qua các chương trình, dự án, hỗ trợ, phát triển mới 100 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, nâng tổng số cơ sở chăn nuôi hàng hóa lên 517 cơ sở, trong đó 322 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 30 con/lứa trở lên, 114 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 500 con/lứa trở lên và 81 cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung quy mô 10 con/hộ trở lên. 

Hùng Cường