Độc đáo khèn Mông

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/9/2019 | 1:55:47 PM

YênBái - Khèn Mông là loại nhạc cụ giữ vai trò trọng yếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc, thể hiện rõ nhất tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc Mông. Chính vì vậy, loại nhạc cụ này được ví là linh hồn người Mông.

Thanh âm đại ngàn.
Thanh âm đại ngàn.

Đến với Mù Cang Chải trong những ngày này, du khách trong và ngoài nước không những được chiêm ngưỡng, khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với sắc vàng rực rỡ, các lễ hội đặc sắc, phong phú, hấp dẫn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, ẩm thực như: phiên chợ vùng cao, hoạt động trải nghiệm văn hóa truyền thống, các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng", hội chọi dê... mà còn được hòa mình vào âm thanh du dương, trầm bổng của tiếng khèn Mông.

Những ai đã từng được thưởng thức tiếng khèn Mông chắc sẽ không bao giờ quên được âm thanh trầm bổng, du dương ấy. Dù là người ít đam mê nghệ thuật nhưng mỗi khi tiếng khèn Mông ngân lên cũng sẽ làm cho họ như lạc vào một thế giới, một không gian hoàn toàn khác lạ. Ở đó, con người ta được hòa vào bao la, hùng vĩ của núi rừng nhưng lại mang nét chân thực, giản dị trong cuộc sống của con người bản địa. 

Chị Hoàng Thị Hiền - một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, tôi đều sắp xếp đến Mù Cang Chải một lần vào tháng 9. Đến đây, tôi không chỉ được ngắm cảnh quan kỳ vĩ của Danh thắng Ruộng bậc thang có một không hai mà còn được hòa mình vào thế giới của tiếng khèn. Chính những bản tình ca trên núi của tiếng khèn Mông đã chinh phục tôi”. 

Khèn Mông là loại nhạc cụ giữ vai trò trọng yếu trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của dân tộc, thể hiện rõ nhất tâm linh, tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc Mông. Chính vì vậy, loại nhạc cụ này được ví là linh hồn người Mông. 

Nghệ nhân Vàng A Chừ - xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Hiện khèn Mông thường được biểu diễn là khèn đơn, khèn đôi và khèn tập thể. Cái khó của việc biểu diễn khèn Mông là không chỉ thổi đơn thuần mà phải biết kết hợp múa với những động tác lắt léo, khó và mang tính nghệ thuật cao. 

Động tác múa khèn cũng rất phong phú và đa dạng như: múa nhảy đưa chân, quay tại chỗ, lăn nghiêng... Để kết hợp giữa thổi và múa khèn, nhất là vừa thổi vừa lăn đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe dẻo dai và nắm vững kỹ thuật đặc trưng, điêu luyện của khèn. Tôi rất tự hào khi dân tộc mình đang gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc về khèn Mông”. 

Tiếng khèn Mông còn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông mỗi khi xuống chợ, đi rừng, lên nương. Nhờ tiếng khèn Mông mà biết bao đôi trai gái trên mảnh đất vùng cao này đã nên vợ nên chồng. 

Đặc biệt, qua tiếng khèn, đồng bào thêm gắn kết và hòa quyện các nét văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác. Vì vậy, giữ gìn tiếng khèn được trong trẻo, tinh khiết, nguyên sơ cũng chính là giữ được nét trong sáng, hướng thiện trong tâm hồn người thổi khèn. 

Chính vì điều này mà mỗi lần đến với huyện vùng cao Mù Cang Chải, du khách sẽ được tận hưởng những giây phút thăng hoa trong âm thanh du dương, trầm bổng của tiếng khèn Mông.

Lê Ánh Tuyết