Yên Bái: Tinh gọn để hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/9/2019 | 8:07:14 AM

YênBái - Yên Bái là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện mô hình mới ở cấp tỉnh như Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND - UBND tỉnh; 9/9 huyện, thị, thành phố đã thực hiện xong mô hình văn phòng cấp ủy - chính quyền cấp huyện, thị, thành phố, cơ quan thanh tra - kiểm tra, tổ chức - nội vụ, cơ quan giúp việc chung của khối Mặt trận và các đoàn thể bắt đầu từ 1/7/2018.

Cử tri phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái phát biểu ý kiến với đại biểu HĐND 3 cấp tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trức Kỳ họp thứ 13 – HĐND tỉnh khóa XVIII.
Cử tri phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái phát biểu ý kiến với đại biểu HĐND 3 cấp tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trức Kỳ họp thứ 13 – HĐND tỉnh khóa XVIII.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy và biên chế

Thực hiện Nghị quyết 18, 19 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành, phê duyệt, cho ý kiến để ban hành 94 đề án, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế (TGBC) theo đúng thẩm quyền để triển khai thực hiện; chỉ đạo HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết là Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVCLĐ) hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng và Nghị quyết số 09/2018/NQ-HĐND về một số chính sách thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; quy định số lượng chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh và khoán quỹ phụ cấp hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố.

Sau hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tinh giản được 405 đầu mối cơ quan hành chính sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện thuộc khối Đảng, đoàn thể và chính quyền bằng 25,5% đầu mối các cơ quan, đơn vị so với năm 2015. 

Yên Bái là một trong những địa phương đi đầu cả nước thực hiện mô hình mới ở cấp tỉnh như Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND - UBND tỉnh; 9/9 huyện, thị, thành phố đã thực hiện xong mô hình văn phòng cấp ủy - chính quyền cấp huyện, thị, thành phố, cơ quan thanh tra - kiểm tra, tổ chức - nội vụ, cơ quan giúp việc chung của khối Mặt trận và các đoàn thể bắt đầu từ 1/7/2018. 

Đặc biệt, CBCCVCLĐ trong hệ thống chính trị đã sắp xếp và giảm được 3.780 biên chế so với năm 2015; bố trí, sắp xếp đối với 1.203 cán bộ, lãnh đạo quản lý dôi dư; chuyển đổi nghề nghiệp, bố trí công việc khác phù hợp cho 1.653 viên chức; góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy và hệ thống chính trị… 

Qua việc sắp xếp, TGBC đã góp phần giảm chi thường xuyên của tổ chức bộ máy và biên chế từ 71% năm 2015 giảm xuống còn 58,2% năm 2018; trong 3 năm tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn là 925 tỷ đồng, riêng năm 2018 là 415 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đã được đầu tư cho giáo dục, y tế và hạ tầng giao thông. 

Giảm 985 tổ dân phố sau sắp xếp, sáp nhập

Thực hiện việc sắp xếp thôn, bản, tổ dân phố, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25 ngày 25/7/2017 về sáp nhập, đổi tên  thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ; Nghị quyết số 45 ngày 14/12/2017 về sáp nhập, đổi tên thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Trấn Yên; Nghị quyết số 37 ngày 8/12/2018 về sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và thành phố Yên Bái. 

Trước khi thực hiện việc sắp xếp, toàn tỉnh có 2.349 thôn, bản, tổ dân phố với số lượng người hoạt động không chuyên trách là 17.137 người. Sau khi thực hiện việc sắp xếp, còn 1.364 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 985 thôn, bản, tổ dân phố, tương đương 41,9%; tổng số người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp còn 7.167 người, giảm 9.970 người (tương đương 58,2%); kinh phí chi cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố giảm trên 40 tỷ đồng/năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến cho biết: việc sắp xếp, thôn, bản, tổ dân phố đã nhận được sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Việc sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định; đồng thời, giúp các xã, phường, thị trấn thuận tiện hơn trong việc triển khai các văn bản của Đảng và Nhà nước xuống cơ sở, giúp tiết kiệm thời gian cũng như chi phí hoạt động. 

Sau sáp nhập, đã góp phần tinh gọn đầu mối, tinh giản số người hoạt động không chuyên trách, giảm chi cho ngân sách Nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư cho thôn, bản, tổ dân phố, từng bước nâng cao phụ cấp và trách nhiệm cho người hoạt động không chuyên trách. Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. 

Theo Nghị quyết, sau sắp xếp, về địa giới, tỉnh vẫn giữ nguyên 9 đơn vị hành chính cấp huyện, mở rộng không gian phát triển thị xã Nghĩa Lộ; đồng thời, giảm 7 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sắp xếp đã nhận được sự đồng thuận cao của các đại biểu HĐND tỉnh và của cử tri các địa phương.  

Mạnh Cường