Thị trấn Nông trường Liên Sơn: Trồng ngô biến đổi gen để tránh sâu keo

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/9/2019 | 8:15:21 AM

YênBái - Vụ hè thu năm 2019 là lần đầu tiên gia đình bà Lê Thị Vân ở tổ dân phố 5, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn trồng giống ngô biến đổi gen DK6919S. Không phải bỗng nhiên bà thay đổi giống ngô trồng vụ này...

Bãi Vòng Cài trồng giống ngô biến đổi gen DK6919S không chịu nhiều ảnh hưởng trước sự phá hại của sâu keo mùa thu.
Bãi Vòng Cài trồng giống ngô biến đổi gen DK6919S không chịu nhiều ảnh hưởng trước sự phá hại của sâu keo mùa thu.

Lý do bà thay đổi giống ngô trồng vụ này bắt đầu từ vụ ngô xuân hè vừa rồi bị thiệt hại nặng nề do thời tiết và sâu bệnh.

Nếu cứ như mọi năm trước thuận lợi thì 2.000 m vuông ngô lai giống PAC339 trồng ở bãi Vòng Cài, bà sẽ thu về 2,5 tấn ngô. Thế nhưng đợt nắng nóng kéo dài đúng lúc cây ngô trỗ cờ cộng với sâu keo mùa thu (SKMT) lần đầu xuất hiện phá hại nên bà chỉ còn được thu 7 tạ ngô. 

Bà Vân đã mấy mươi năm trồng ngô: "Thời tiết khắc nghiệt thì chấp nhận nhưng chưa bao giờ gặp một loại sâu nào như SKMT có sức tàn phá ghê gớm, vợ chồng tôi phun thuốc tới 7 lần vụ đó rồi cũng đành chịu”.

Tình trạng diễn ra tương tự tại các hộ trong tổ, trong thị trấn khi trồng các giống ngô lai quen thuộc nhiều năm nay. Tuy nhiên, với những gia đình đã trồng giống ngô biến đổi gen DK6919S vài năm nay trên địa bàn thì khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, nhất là không chịu nhiều ảnh hưởng của SKMT tại thời điểm đó.

Do vậy, bà Vân đã chuyển đổi trồng giống ngô biến đổi gen DK6919S trên diện tích 3.000 m vuông vụ hè thu. Khi SKMT gây hại tại địa bàn huyện Văn Chấn trong thời gian qua thì diện tích ngô nhà bà và toàn bộ 25 ha ngô ở bãi Vòng Cài trồng giống ngô DK6919S cơ bản vẫn an toàn. 

Nhờ được hướng dẫn và thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện có bướm chui vào nõn ngô ở giai đoạn 3 - 5 lá đẻ trứng, theo dõi thì bà thấy 3 ngày sau đã có 1 ổ sâu non khoảng 7 - 8 con bằng que tăm. Lập tức bà phun thuốc Indophos 700EC có hoạt chất Chlorpyrifos và Indoxacarb trực tiếp vào từng nõn ngô, sau vài tiếng là sâu chết luôn. 

Cây ngô hiện đang cuốn nõn và cuốn cờ, tỉ lệ SKMT khoảng 10% nên không cần phun thuốc mà chịu khó bắt thủ công là hết. Kinh nghiệm để phòng trừ SKMT hiệu quả, các hộ gia đình cần phun tập trung, đồng loạt cùng nhau. 

Cũng ở bãi Vòng Cài, vẫn còn một số hộ trồng các giống ngô lai khác nhưng cứ lên vài lá lại bị SKMT phá hỏng hết và họ trồng lại bằng giống DK6919S thì khá ổn. Bà và các hộ cũng nhận thấy, nếu sót bất cứ một cây ngô thường nào là SKMT tấn công phá hại không thể chữa trị. 

Bà Vân kiến nghị, các cơ quan chuyên môn chức năng cần có chỉ đạo kịp thời về giống ngô cho các vụ tiếp theo đồng thời có hướng dẫn chính thức về qui trình phòng trừ, về thuốc đặc trị SKMT để người dân yên tâm sản xuất.

Nguyễn Thơm