Cây thảo quả ở Giàng Pằng

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/9/2019 | 1:52:46 PM

YênBái - Vài năm gần đây, cùng với cây quế, cây chè Shan, thảo quả dần trở thành cây trồng chủ lực mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người Mông thôn Giàng Pằng, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn. Với đặc điểm sinh trưởng phù hợp dưới tán rừng, thảo quả không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn bảo vệ, phát triển rừng.

Đồng bào Mông thôn Giàng Pằng trao đổi kỹ thuật chăm sóc thảo quả.
Đồng bào Mông thôn Giàng Pằng trao đổi kỹ thuật chăm sóc thảo quả.

Chị Màu Thị Mị ở thôn Giàng Pằng phấn khởi cho biết: "Gia đình mình có hơn 2 ha đất ven khe suối trồng thảo quả. Nhiều năm trước, do ảnh hưởng thiên tai nên thu hoạch được ít, nhưng năm nay dự kiến thu khoảng gần 2 tấn quả”. 

Được mùa, thương lái lên tận thôn thu mua nên chị Mị không phải vất vả chuyển xuống vùng thấp bán như trước đây. Với giá mua từ 19 - 21.000 đồng/kg đã đem lại cho chị Mị hơn 40 triệu đồng. 

Thôn Giàng Pằng hiện có gần 30 ha thảo quả, chủ yếu trồng dưới tán rừng và ven theo các khe suối. Trung bình mỗi năm, người dân trong thôn thu hoạch từ 20 - 25 tấn thảo quả. Giàng Pằng có độ cao gần 1.700 m so với mực nước biển. Nơi đây có khí hậu ôn hòa, đời sống của 74 hộ người Mông từ trước đến giờ chủ yếu dựa vào việc thu hái 25 ha chè Shan tuyết cổ thụ và gần 30 ha thảo quả. 

Ông Giàng A Châu - Trưởng thôn chia sẻ: "Hiện nay, chúng tôi đang vận động nhân dân tận dụng đất ven khe suối có độ ẩm cao và thâm canh để nâng cao sản lượng thảo quả trên diện tích hiện có”. 

Với giá trị kinh tế cao; đồng thời, là cây dược liệu quý phù hợp với tập quán canh tác ở vùng cao, nên xã Sùng Đô cũng đang tập trung quan tâm các giải pháp phát triển loại cây này. 

Ông Cứ A Sùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Vài năm trở lại đây, giá trị kinh tế từ cây thảo quả đã có tác động tích cực nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông. Do đó, chúng tôi đang rà soát, quy hoạch và đề ra các mục tiêu, định hướng phát triển lâu dài cho người dân, tránh tình trạng được mùa mất giá. Cùng đó, gắn trồng thảo quả với bảo vệ và phát triển rừng”.

Thảo quả đã và đang trở thành cây kinh tế có tác động tích cực tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo đối với các xã, thôn, bản vùng cao. Tuy nhiên, việc trồng thảo quả rất cần có sự quan tâm hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện, các xã trong quy hoạch đất đai, hướng dẫn kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản lượng loại thảo quả.

Trần Ngọc