Cuốn hút du lịch ruộng bậc thang

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/9/2019 | 1:51:33 PM

YênBái - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm là du khách ở khắp các địa phương trong cả nước và khách nước ngoài lại trở về huyện vùng cao Mù Cang Chải để ngắm những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng, thưởng thức những màn bay dù lượn và cùng đồng bào Mông trải nghiệm thu hoạch lúa, đắp bờ ruộng bậc thang, làm đất gieo mạ, cấy lúa, tắm suối, bắt cá, giã bánh dày, thêu, dệt thổ cẩm...

Du khách tham quan Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín.
Du khách tham quan Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín.


Đó là trải nghiệm hết sức ấn tượng, khó quên đối với mỗi du khách khi lên Mù Cang Chải vào dịp tỉnh Yên Bái tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi hòa vào dòng khách du lịch lên huyện vùng cao Mù Cang Chải để ngắm ruộng bậc thang sắp vào mùa thu hoạch và xem bay dù lượn, đi chợ phiên Mù Cang Chải, xem biểu diễn văn nghệ và các trò chơi dân gian của đồng bào Mông như: ném pao, đẩy gậy, múa khèn... hết sức hấp dẫn.

Cơn mưa kéo dài suốt 3 ngày trung tuần tháng 8 không ngăn cản được những đoàn khách du lịch từ các địa phương trong nước và nước ngoài lên huyện Mù Cang Chải. Từ chân đèo Khau Phạ, du khách đã có thể ngắm ruộng bậc thang của đồng bào Mông xã Nậm Có đương kì lúa chín vàng nối liền với những thửa ruộng nếp Tú Lệ của đồng bào Thái xã Tú Lệ (Văn Chấn) cũng đang vào mùa thu hoạch. 

Hương lúa hòa quyện với hương cốm bên những ngôi nhà sàn của người Thái khiến mỗi du khách qua đường đều phải dừng chân để thưởng thức đặc sản cốm Tú Lệ và không quên mua vài ki-lô-gam mang về làm quà. 

Sau gần một giờ dừng chân tại xã Tú Lệ, trải nghiệm giã cốm, thưởng thức cốm, chúng tôi lại cùng những đoàn khách du lịch vượt đèo Khau Phạ lên điểm du lịch bay dù lượn để ngắm những cánh dù lượn bay từ đỉnh đèo Khau Phạ hạ xuống những thửa ruộng bậc thang của xã Nậm Có dưới chân đèo. 

Anh Trần Văn Công - khách du lịch ở quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh phấn khởi khoe: "Chúng tôi lên Mù Cang Chải hôm qua. Đoàn chúng tôi đi vào xã Chế Cu Nha tặng quà tết Trung thu cho các cháu ở xã, hôm nay mới ra đèo Khau Phạ xem bay dù lượn. Ngày mai, chúng tôi vào xã La Pán Tẩn đi các bản ngắm ruộng bậc thang và ghi lại hình ảnh trên đồi Mâm Xôi". 

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi lên Mù Cang Chải, được trực tiếp ngắm ruộng bậc thang, thấy đẹp hơn xem trong ảnh rất nhiều, lại được chụp ảnh cùng đồng bào Mông và các phi công bay dù lượn thật thú vị. Chắc chắn mùa nước đổ sang năm vào dịp tháng 4 và tháng 5, chúng tôi sẽ tổ chức đoàn trở lại Mù Cang Chải để trải nghiệm làm ruộng với đồng bào Mông” - anh Công nói. 

Tại các điểm du lịch ở đèo Khau Phạ, Chế Cu Nha, đồi Mâm Xôi - bản Pú Nhu Háng Sung, điểm du lịch Hấu Đề - bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, hàng ngày thu hút hàng trăm lượt khách đến thăm quan, trải nghiệm công việc cùng đồng bào Mông. 

Bà Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thực hiện đề án, kế hoạch phát triển du lịch năm 2019, lần đầu tiên huyện tổ chức Tết Độc lập và chợ phiên Mù Cang Chải nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Mù Cang Chải dự Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải với các chuỗi hoạt động: chương trình biểu diễn sắc màu dân tộc; chợ phiên Mù Cang Chải; Festival Dù lượn "Bay trên mùa vàng”; hội thi chọi dê, gặt lúa nhanh, cày bừa giỏi, đắp bờ đẹp... 

Cùng với tổ chức chợ phiên Mù Cang Chải, huyện đã đầu tư làm một ngôi nhà trên đỉnh đèo Khau Phạ để người dân trưng bày các sản phẩm nông sản của địa phương như: quả sơn tra, rượu sơn tra, rượu mận, măng ớt, rau cải cùng các sản phẩm du lịch như khèn Mông, sáo Mông, hàng thổ cẩm, trang sức... bán làm quà lưu niệm cho du khách. 

Đồng thời, huyện giao cho xã Cao Phạ và Nậm Có luân phiên tổ chức biểu diễn văn nghệ vào ngày thứ Bảy hằng tuần để phục vụ khách du lịch. Các xã khu II, khu III, khu IV từ Nậm Khắt vào tới Lao Chải, Hồ Bốn, mỗi xã có một đội văn nghệ, luân phiên biểu diễn vào tối thứ Bảy hằng tuần tại sân khấu chợ phiên Mù Cang Chải với những tiết mục đặc sắc, đậm đà bản sắc của người Mông như: múa khèn Mông, thổi khèn môi, thổi sáo Mông, hát giao duyên... 

"Qua dịp này, Ban Tổ chức kỳ vọng du khách gần xa sẽ biết đến Mù Cang Chải nhiều hơn. Hiện nay, huyện đang tiến hành lập hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính Phủ công nhận ruộng bậc thang Mù Cang Chải là Danh thắng quốc gia đặc biệt…” - bà Xuyến nói. 

Đến Mù Cang Chải vào dịp này, du khách không chỉ được ngắm ruộng bậc thang ở Nậm Có, Cao Phạ, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha... mà còn được trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch với nét văn hóa riêng của đồng bào Mông tại chợ phiên Mù Cang Chải và các điểm du lịch trên địa bàn huyện. 

Một trong những điểm du lịch mà du khách  đã đến Mù Cang Chải không thể bỏ qua là đồi Mâm Xôi - bản Pú Nhu Háng Sung, xã La Pán Tẩn. Hiện nay, địa điểm này mỗi ngày đón hàng trăm khách du lịch tới tham quan, chụp ảnh lưu niệm. 

Ông Hảng Xáy Chông - Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn trao đổi: "Để đảm bảo an toàn cho khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, cùng đồng bào Mông trong xã đi gặt lúa, thêu dệt, giã bánh dày tại điểm du lịch đồi Mâm Xôi, xã cử cán bộ trực hàng ngày tại khu vực này để bán vé cho du khách với mức 20.000 đồng/lượt người. 

Nguồn thu này, xã phân bổ 50% cho 7 hộ có ruộng ở khu vực này, 20% dành công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, còn 30% đầu tư kiên cố hóa đường giao thông về các bản. Đồng thời, xã thường xuyên tổ chức kiểm tra việc bán hàng, đón khách lưu trú, đi tour, nhất là đội xe ôm chở khách ở đây để tránh tình trạng "chặt chém” khách du lịch. 

Đến nay, xã mới có 6 hộ làm du lịch cộng đồng đều là nhà sàn, đáp ứng khoảng trên 100 khách đến tham quan, phục vụ ăn uống, ngủ lại tại địa phương, trong đó có 2 hộ đang đầu tư làm nhà sàn để đón khách vào mùa nước đổ sang năm. Chúng tôi rất mong Nhà nước đầu tư kiên cố hóa thêm những tuyến đường giao thông tại các bản, các điểm du lịch tại xã và thác Hấu Đề để đón tiếp, phục vụ khách du lịch đến với La Pán Tẩn nhiều hơn”.



Khu du lịch homestay của gia đình anh Giàng A Dê ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn. 

Mùa du lịch năm 2019, huyện Mù Cang Chải đón khách vào dịp "Mùa nước đổ” tháng 4, tháng 5, tháng 6 và "Bay trên mùa vàng” vào tháng 8, tháng 9, tháng 10 với kế hoạch được giao là đón 152 nghìn khách. Đến trung tuần tháng 9, huyện đã đón trên 141 nghìn khách du lịch trong và ngoài nước. Dự kiến lượng khách đến với huyện Mù Cang Chải từ nay đến cuối năm sẽ vượt xa con số theo kế hoạch được giao, đây là sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mù Cang Chải trong phát triển du lịch thời gian qua.

Anh Nông Văn Êm - tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải:



"Năm 2016, gia đình tôi đã xây dựng mô hình du lịch homestay phục vụ du khách trong và ngoài nước. Thấy mô hình du lịch này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã bàn với anh, chị, em và họ hàng thành lập tổ hợp tác làm du lịch homestay. Ngoài 3 nhà sàn tại tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải, chúng tôi còn mở thêm cơ sở 2 ở Ngã Ba Kim, xã Púng Luông. 

Đến nay, tổ hợp tác của chúng tôi có 2 cơ sở du lịch homestay với 4 nhà sàn, mỗi nhà sàn có từ 8 phòng trở lên, đảm bảo lưu trú cho từ 16 đến 20 người/đêm. Khi du khách đến ngủ, nghỉ và sinh hoạt, chúng tôi đã phục vụ chu đáo bằng các món ăn đặc sản như thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, lạp sườn, cá nướng và các món rau sạch ở vùng cao.

 Ngoài việc phục vụ ăn uống, chúng tôi còn có chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc của người Thái phục vụ khách. Bình quân mỗi tháng có trên 100 khách đến ăn nghỉ. Đơn giá từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/người/đêm”.

Sùng A Hồng (thực hiện) 

Minh Hằng