"9X" người Mông mê văn hóa truyền thống

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/10/2019 | 8:06:36 AM

YênBái - Đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội, hoàn cảnh gia đình khó khăn phải lỡ dở việc học nay đã trở thành Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) HMong 4S Việt Nam với dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc vô cùng mới mẻ và thú vị. Đó là chàng trai Mông Lảo A Củ, người con quê hương Mù Cang Chải.

Lảo A Củ kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Lảo A Củ kiểm tra sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Mù Cang Chải, từng học cấp III tại Trường Dân tộc nội trú THPT Miền Tây, thị xã Nghĩa Lộ và thi đỗ Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Lảo A Củ, sinh năm 1996 phải lỡ dở việc học.

Song, nhờ sự năng động, chăm chỉ và đam mê, A Củ đã bén duyên với kinh doanh và hiện đang là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) HMong 4S Việt Nam với dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc vô cùng mới mẻ và thú vị.

Đang học năm thứ 3, Trường Đại học Công nghiệp (Hà Nội), do hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục theo học, Lảo A Củ được một người anh thân thiết giúp đỡ, cùng nhau mở trang web bán hạt dổi rừng Tây Bắc trên mạng. Chính ngày đầu "chập chững” kinh doanh ấy đã giúp Lảo A Củ phát huy đúng năng lực, thế mạnh của mình mà trước nay em chưa từng nghĩ tới. Bán hạt dổi theo mùa, thời gian rảnh rỗi A Củ tự học, tự mày mò cách làm in ấn lên các sản phẩm lưu niệm, áo, cốc, móc treo chìa khóa… theo yêu cầu của khách. 

Hơn 1 năm sau, cũng nhờ sự giúp đỡ của người anh, người bạn thân thiết đó, A Củ mở được một cửa hàng chuyên in ấn theo yêu cầu tại Hà Nội. Được khoảng 2 năm, thấy xu hướng in ấn thông thường dần bão hòa, cạnh tranh quá lớn, A Củ dần chuyển sang in áo, in hình chibi của người Mông. 

Chibi là từ có nguồn gốc từ tiếng Nhật, được dùng chủ yếu trong lĩnh vực tranh ảnh, miêu tả một phong cách vẽ mà trong đó nhân vật được cách điệu hóa với một cơ thể ngắn, nhỏ bé, mũm mĩm và cái đầu có kích thước quá cỡ, rất dễ thương, hài hước, được giới trẻ ưa chuộng. Các mặt hàng có in hình chibi người Mông, trang phục có hoa văn, họa tiết của người Mông không chỉ được nhiều bạn trẻ dân tộc Mông mà cả khách du lịch người nước ngoài rất yêu thích. 

Sau đó, A Củ quyết định trở về Yên Bái với mơ ước mở một công ty chuyên về trang phục người Mông. Vay mượn gia đình, bạn bè cùng nguồn vốn ít ỏi dành dụm được, ngày 1/1/2019, Công ty TNHH HMong 4S Việt Nam do A Củ làm Giám đốc chính thức thành lập và đi vào hoạt động. 

Lý giải về cái tên đặc biệt của Công ty, A Củ tâm sự: "HMong 4S có nghĩa là HMong 4 Style (phong cách) theo tiếng Anh. Dân tộc Mông được phân thành nhiều loại nhưng phổ biến nhất là: Mông Lềnh, Mông Đu, Mông Đơ và Mông Si bởi sự khác nhau trong tiếng nói, tục lệ, trang phục… Chúng tôi chọn tên HMong 4 phong cách với mong muốn có thể gìn giữ những nét đẹp văn hóa đặc trưng trong họa tiết, hoa văn thêu trên trang phục. 

"Công ty xác định hướng đi, phong cách khá rõ ràng: một là nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng truyền thống phổ thông dành cho tất cả các tầng lớp, lứa tuổi người Mông; hai là nghiên cứu và sản xuất các hoa văn, họa tiết, mặt hàng thời trang thiết kế theo phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống”. 

Nói nghe có vẻ đơn giản vậy, nhưng để Công ty có thể đi vào hoạt động, A Củ đã phải rất vất vả tìm tòi cách làm bởi đây là hướng đi còn quá mới mẻ.

Giai đoạn đầu, A Củ nhập vải hoa văn họa tiết từ Trung Quốc về, thực hiện khâu trung gian là hoàn thiện sản phẩm gồm: quần áo, yếm, phụ kiện cho trang phục người Mông về bán. Đồng thời, tranh thủ thời gian đi cửa khẩu tỉnh Hà Giang tìm kiếm thị trường, máy móc thiết bị cho việc sản xuất trang phục. Tuy nhiên, nhận thấy công nghệ, dây chuyền các mặt hàng Trung Quốc chưa thực sự phù hợp, dễ bị mất đi hoa văn, họa tiết vốn có, bản xứ. 

Qua tìm hiểu, được biết trong thành phố Hồ Chí Minh, công nghệ in ấn mà A Củ vẫn duy trì lâu nay rất phù hợp nên đã đích thân vào thành phố Hồ Chí Minh dành 1 tuần để tìm tòi, trao đổi, tham quan mô hình in truyền nhiệt trên khổ lớn. Đi cùng A Củ là người bạn cùng lớp cấp III để học về thiết kế, cách in ấn trên dây chuyền hiện đại. 

Cũng chỉ trong 1 tuần đó, A Củ quyết định ký hợp đồng với Công ty cổ phần Thái Sơn, nhập 3 chiếc máy gồm: máy in giấy truyền nhiệt, máy áp truyền nhiệt và máy dập ly để sản xuất mặt hàng quần áo, yếm, phụ kiện trang phục dân tộc Mông. 

Đến nay, sau gần 10 tháng hoạt động, Công ty TNHH HMong 4S Việt Nam mỗi ngày sản xuất từ 200 - 300 chiếc váy, yếm, phụ kiện trang phục người Mông, cung ứng chủ yếu cho thị trường các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một lượng khách người nước ngoài. 

Đồng thời, duy trì ổn định nguồn thu từ in áo, in hình lưu niệm theo yêu cầu, thu về hơn 100 triệu đồng mỗi tháng; tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng… 

Bên cạnh đó, nhờ sự nhanh nhạy, sáng tạo, Công ty đang chạy quảng bá sản phẩm trên kênh Youtube, thậm chí đã thu được tiền từ việc chạy chương trình trên hệ thống kênh này. 

"Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là thành lập được một hợp tác xã chuyên về bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông; tạo dựng thương hiệu sản xuất hàng thổ cẩm thủ công. Ý tưởng này của A Củ đã xuất sắc lọt vào vòng Chung kết Cuộc thi ý tưởng, Dự án thanh niên khởi nghiệp lần thứ II, năm 2019 do Tỉnh Đoàn Yên Bái tổ chức” - A Củ tự hào chia sẻ.  

Vẫn là trang phục truyền thống của người Mông nhưng không bị mất đi giá trị cốt lõi lâu đời mà có sự sáng tạo, phù hợp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, đa dạng hóa, dễ mặc, dễ sử dụng chính là tiêu chí hoạt động hàng đầu của Công ty TNHH HMong 4S Việt Nam hướng đến. 

Với tinh thần, nhiệt huyết tuổi trẻ, sáng tạo, nỗ lực không ngừng, tin tưởng rằng chàng trai trẻ người Mông Lảo A Củ sẽ biến ước mơ của mình thành hiện thực trong một tương lai gần, góp phần gìn giữ những giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. 

Mai Linh