Hiệu quả cây trồng mới ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/10/2019 | 10:57:04 AM

YênBái - Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Mù Cang Chải, những năm gần đây, đồng bào Mông tích cực đưa các loại cây trồng mới, có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong đó có cây hồng giòn và cây lê Đài Loan.

Anh Thào A Phổng ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt giới thiệu với lãnh đạo xã về mô hình vườn cây ăn quả mới.
Anh Thào A Phổng ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt giới thiệu với lãnh đạo xã về mô hình vườn cây ăn quả mới.

Thăm vườn cây ăn quả của anh Thào A Phổng ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, chúng tôi được ngắm những chùm quả hồng giòn sai trĩu cành. Vườn cây ăn quả của anh có 140 gốc cây hồng giòn và vụ đầu cho thu hoạch trên 5 tạ quả, bán với giá 30.000 đồng/kg, thu về gần 20 triệu đồng. Tuy vụ đầu sản lượng chưa cao, nhưng đây là loại cây trồng lâu năm với hướng phát triển lâu dài. 

Anh Phổng chia sẻ: "Cây hồng giòn dễ trồng và chỉ cần chăm sóc đúng kỹ thuật là cây phát triển tốt. Khi quả chín, thương lái đến tận vườn thu mua. Thời gian tới, tôi tiếp tục phát triển loại cây này. Ở đây, không chỉ riêng tôi mà bà con trong xã cũng muốn trồng loại cây này để hình thành vùng cây ăn quả hàng hóa”. 

Ông Lý A Sử - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: "Trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, Đảng ủy, chính quyền rất chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Khi trồng thử nghiệm loại cây hồng giòn cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân đầu tư mua thêm giống hồng giòn về trồng giúp bà con tăng thêm thu nhập”. 

Rời xã Nậm Khắt, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả rộng gần 5 ha của chị Lù Thị Hú ở bản Nả Háng Tủa Chử, xã Púng Luông. Được biết, tại khu vườn này, gia đình chị từng trồng cây táo mèo, mận địa phương nhưng hiệu quả kinh tế không cao. 

Sau khi có dự án trồng lê Đài Loan và hồng giòn của huyện, chị đã nhận giống về trồng thử. Sau 4 năm chăm sóc đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, 300 cây lê Đài Loan và 200 cây hồng giòn đã ra hoa, bói quả và cho thu hoạch. Vụ hồng năm 2018, chị Hú thu gần 1 tấn quả, thu về gần 30 triệu đồng; vụ hồng năm 2019 thu gần 1,5 tấn quả và bán với giá từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg thu về trên 40 triệu đồng. 

Đây là loại cây trồng có thu nhập cao hơn so với những loại cây trồng khác từng đưa về trồng tại địa phương. Ngoài 500 gốc lê và hồng đã cho thu hoạch, hiện nay, gia đình chị Hú đang chăm sóc 1.000 gốc lê Đài Loan và 50 gốc mận Úc từ 2 đến 3 năm tuổi. 

Chị Hú tâm sự: "Trồng cây ăn quả chỉ vất vả giai đoạn đầu mới đưa cây về trồng, vì khi đó phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm. Khi cây đã bén rễ, lên mầm rồi thì mình chỉ cần chăm sóc theo đúng kỹ thuật là cây phát triển tốt. Tôi thấy trồng cây ăn quả mang lại lợi ích nhiều hơn trồng lúa, ngô… Vì vậy, thời gian tới, tôi tiếp tục nhân rộng diện tích cây ăn quả”. 

Ông Vàng Bua Tủa - Chủ tịch UBND xã Púng Luông khẳng định: "Mô hình cây ăn quả của gia đình chị Hú là mô hình điểm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi đây là loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng cao như Púng Luông. Hiện nay, xã tiếp tục vận động nhân dân đưa các loại cây trồng mới có năng suất và có giá trị kinh tế cao như lê Đài Loan, hồng giòn, mận Úc… vào trồng thay thế các loại cây trồng năng suất, chất lượng thấp để góp phần giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Ngoài các loại cây đưa vào trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân, huyện Mù Cang Chải tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp đưa cây đào Pháp vào trồng thử nghiệm tại các xã: Púng Luông, Lao Chải và một số xã có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với hai loại cây trồng này. Đây là những loại cây trồng mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế, giúp bà con vùng cao tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chí Sinh