Yên Bái phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/10/2019 | 10:59:37 AM

YênBái - Tỉnh Yên Bái có nhiều cây dược liệu như: giảo cổ lam, sa nhân tím, tam thất, hà thủ ô, khôi nhung, cà gai leo... với diện tích khoảng gần 9.290 ha, sản lượng hàng năm ước đạt gần 8.000 tấn. /

Chuyên gia của Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tỉnh Yên Bái hướng dẫn người dân xã Bảo Ái, huyện Yên Bình trồng cây cà gai leo.
Chuyên gia của Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tỉnh Yên Bái hướng dẫn người dân xã Bảo Ái, huyện Yên Bình trồng cây cà gai leo.

Thực hiện Quyết định số 1702 của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt triển khai Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, 2 năm qua, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tỉnh Yên Bái (YENBAI CDSH) đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp người dân và doanh nghiệp liên kết, phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị. 

Năm 2018, gia đình bà Phan Thị Oanh, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình được Trung tâm hỗ trợ liên kết thực hiện mô hình trồng thử nghiệm cây cà gai leo với Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn. Sau 4 tháng rưỡi, trên diện tích 520m2, gia đình bà Oanh thu được gần 11 triệu đồng. 

Năm 2019, gia đình bà Oanh tiếp tục mở rộng diện tích lên gần 1.000m2. Bà Oanh chia sẻ: "Gia đình tôi được HTX sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cung cấp giống, giám sát kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Năm 2018, tôi thí điểm trồng cà gai leo, qua một vụ thu hái, tôi thấy cây trồng này có giá trị hơn trồng các loại cây khác mà lại dễ chăm sóc, thu hái. Tôi sẽ mở rộng diện tích để trồng cây dược liệu này”. 

Năm 2019, xã Bảo Ái có 17 hộ đăng ký trồng cây cà gai leo với tổng diện tích 1 ha. Được biết, cây cà gai leo trồng năm đầu, chăm sóc và thu hoạch được 1 năm rưỡi mới phải trồng lại. 1 ha cà gai leo được thu hoạch 3 vụ, mỗi vụ thu hoạch 3,5 tấn cây khô/ha, với giá bán hiện tại là 30.000 đồng/kg, trung bình 1 năm người dân thu được hơn 150 triệu đồng. 

Ông Phạm Văn Chiến - Giám đốc HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cho hay: "Nhận thấy thổ nhưỡng của tỉnh hợp với cây cà gai leo, được sự hỗ trợ của YENBAI CDSH, chúng tôi đã liên kết với Công ty Dược Tuệ Linh tại Hà Nội để đưa giống cây này về trồng tại các xã Bảo Ái, huyện Yên Bình và Mậu Đông, huyện Văn Yên cho hiệu quả tốt. Năm 2019, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng trên 12ha tại 4 xã: Đông Cuông, Mậu Đông huyện Văn Yên và xã Cảm Ân, Bảo Ái huyện Yên Bình với trên 300 hộ đăng ký tham gia”. 

Ngoài cây cà gai leo, Trung tâm còn thực hiện Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu: khôi nhung, hà thủ ô, giảo cổ lam... 

Để khắc phục tình trạng quá trình khai thác quá mức khiến nhiều loài dược liệu quý bị cạn kiệt, thậm chí nhiều loài đã nằm trong sách đỏ, mới đây YENBAI CDSH đã tổ chức Hội thảo Phát huy lợi thế vùng trồng cây thuốc nam trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương và Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm thực hành đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của tác nhân tham gia chuỗi thuốc nam. 

Qua các cuộc hội thảo, các công ty, tổ hợp tác, HTX và người dân trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức bảo tồn và phát huy lợi thế vùng trồng cây thuốc nam dựa vào kịch bản tăng trưởng hàng năm của ngành nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết trong trồng, tiêu thụ cây dược liệu; tiếp tục duy trì, phát triển hiệu quả các mô hình trồng cây dược liệu đang có.

 Tiến sĩ Đào Thị Ngọc Lan - Giám đốc YENBAI CDSH, Trưởng ban Quản lý Dự án "Nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam” cho biết: "Việc phát triển cây dược liệu theo mô hình liên kết cho thấy hiệu quả rõ nhất là tăng giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị canh tác. Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, đặc biệt là thông tin về bài thuốc trên các website tin cậy nhằm nâng cao giá trị bài thuốc; liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm dược liệu của tỉnh với quan điểm là phát triển vững chắc”. 

Như vậy, có thể thấy, việc phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị sẽ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân trên địa bàn tỉnh. 

Minh Huyền