Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ năm, 17/10/2019 | 8:20:06 AM

YênBái - Người có uy tín là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Họ cũng là người mạnh dạn góp ý phê bình cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu; là lực lượng phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

UBND tỉnh gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái năm 2019.
UBND tỉnh gặp mặt người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái năm 2019.

Yên Bái là tỉnh miền núi có trên 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 56%. Một số dân tộc vẫn còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, mê tín, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước... Vì vậy, vai trò của người có uy tín trong đồng bào các DTTS là hết sức quan trọng.

Người có uy tín là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Họ cũng là người mạnh dạn góp ý phê bình cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu; là lực lượng phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Toàn tỉnh hiện có 1.157 người có uy tín là các già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn, bản, thầy mo, thầy cúng, cán bộ hưu trí... Thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS, từ năm 2014 đến nay, với tổng kinh phí 8.480 triệu đồng.

Tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động thể hiện sự quan tâm, chăm lo tới đội ngũ người có uy tín, như: thăm hỏi, tặng quà vào dịp Tết Nguyên đán; cấp phát Báo Yên Bái, Báo Dân tộc và Phát triển; tổ chức 30 hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin cho hơn 2.100 lượt người có uy tín; tổ chức 6 đợt đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trong nước và gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc cho trên 190 lượt người có uy tín... 

Tại các địa phương trong tỉnh, đã xuất hiện nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự... Điển hình như: ông Hà Đình Nghĩa, xã Đại Lịch (Văn Chấn); ông Đặng Phúc Vạn, xã Quang Minh (Văn Yên); bà Đinh Thị Mùi, xã Quy Mông (Trấn Yên); ông Sùng Sáy Tồng, xã Phình Hồ (Trạm Tấu)… 

Ông Đặng Phúc Vạn - người có uy tín ở xã Quang Minh (Văn Yên) cho biết: "Người Dao là một trong số DTTS còn nặng nề các hủ tục, lạc hậu trong ma chay, cưới xin cũng như phát triển kinh tế. Qua các chuyến đi tham quan, học hỏi, tôi đã vận động gia đình, anh em, họ hàng và các hộ dân trong thôn làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, không thả rông gia súc như trước. Đồng thời, tôi cùng với các già làng xây dựng quy ước, hương ước của địa phương quy định rút ngắn thời gian trong việc tổ chức ma chay; không thách cưới, không ăn uống lãng phí; bảo tồn, phát huy một số nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao. Sự đổi mới của người Dao xã Quang Minh đã được người Dao một số xã khác đến học tập và áp dụng vào thực hiện tại địa phương mình...”. 

Sự đóng góp của người có uy tín đã được cấp ủy các cấp ghi nhận, biểu dương. Năm 2018, toàn tỉnh đã có hàng trăm người có uy tín được tuyên dương, khen thưởng tại Hội nghị tuyên dương người có uy tín. Tại Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ III, năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 85 tập thể, cá nhân và người uy tín được đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen. 

Ông Vì Văn Sang - người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khơ Mú ở thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn): 



"Đối với tôi, trách nhiệm của người có uy tín là khiến cho dân tin, dân hiểu, dân chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Bởi vậy, phải luôn lấy mình làm gương, đi trước, làm trước. 

Không ỷ lại vào tuổi cao, tôi vẫn tự mình phát triển kinh tế, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng. Tôi còn tích cực tuyên truyền bà con giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; sử dụng nước sạch, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng nếp sống lành mạnh, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau... 

Trên cương vị là nghệ nhân trình diễn dân gian, tôi đã và đang sưu tầm, phục dựng, truyền dạy các nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Khơ Mu cho thế hệ trẻ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống người Khơ Mú ở địa phương”.

Anh Thào A Ký  - người có uy tín ở bản Có Mông, xã Nậm Có (Mù Cang Chải): 



Bản Có Mông, xã Nậm Có 100% dân số là đồng bào Mông, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn và lạc hậu. Vinh dự được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín ở trong bản, những năm qua, tôi đã nêu cao tinh thần trách nhiệm cùng với Đảng ủy, chính quyền địa phương và trưởng bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi ruộng một vụ sang gieo cấy hai vụ, chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân; vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của và hiến đất cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước làm được gần 1 km đường bê tông trong bản, kiên cố hóa một số tuyến kênh mương nội đồng. 

Đặc biệt, Nậm Có là địa bàn nóng về tệ nạn ma tuý nên tôi đã cùng các già làng, trưởng dòng họ xây dựng hương ước tự quản con cháu không sử dụng ma túy, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; thực hiện đưa thi thể người chết vào áo quan; không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống; không thách cưới; tổ chức đám cưới, đám tang tiết kiệm theo nếp sống mới…
A Mua