Bảo tồn văn hóa nhà sàn của người Thái Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/10/2019 | 7:59:52 AM

YênBái - Ở Mường Lò, những ngôi nhà sàn truyền thống ra đời, gắn với đồng bào Thái từ thế hệ này sang thế hệ khác, bền vững theo thời gian. Tuy nhiên, hiện nay, những ngôi nhà sàn như thế còn rất ít.

Những ngôi nhà sàn mang hình dáng cổ xưa luôn thu hút khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Những ngôi nhà sàn mang hình dáng cổ xưa luôn thu hút khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Để có được ngôi nhà sàn ưng ý, người Thái phải chọn những loại gỗ tốt làm khung nhà như: pơ mu, sến, sổi..; mái lợp bằng gianh, gỗ thông, prôximăng. Nhà sàn thường cao hơn mặt đất chừng 2 m, mặt sàn được ghép bằng những cây bương, tre, vầu hoặc gỗ, thoạt nhìn thì có vẻ đơn sơ nhưng lại rất chắc chắn, nếu là nhà cộng đồng thì có thể chứa trên dưới 100 người cùng tham gia sinh hoạt.

Đến xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ - địa phương có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, ai cũng biết nghệ nhân Điêu Thị Xiêng là người đi đầu trong phong trào giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Thái Nghĩa Lộ - Mường Lò. 

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng tâm sự: "Tôi sống hơn nửa đời ở nơi đây, chứng kiến những đổi thay của bản Thái, bản Mường qua từng nếp nhà, con đường bê tông hóa và cuộc sống của người Thái vùng cánh đồng Mường Lò nhưng ngôi nhà sàn kiên cố mới hôm nay của gia đình vẫn mang hình dáng của nếp nhà sàn xưa”. 

Còn với gia đình ông Đồng Văn Nọi ở Bản Vệ, xã Nghĩa An lại gìn giữ nếp nhà sàn của dân tộc mình theo cách riêng. Ông Nọi cho biết: "Để có được ngôi nhà sàn theo đúng kiến trúc của dân tộc mình, trước khi làm nhà, tôi đã lựa chọn từng cây gỗ tốt để làm khung, còn mái lợp prôximăng, mặt sàn được ghép bằng những tấm gỗ pơ mu tốt, ở giữa có bếp lửa”. 

Tuy nhiên, hiện ngôi nhà sàn như gia đình ông Nọi còn rất ít, ngay cả 3 trong 7 người con của ông cũng đã thay ngôi nhà sàn bằng ngôi nhà xây. Do vậy, để bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của ngôi nhà sàn dân tộc, hàng ngày, ông vẫn kiên trì tuyên truyền cho con cháu hiểu và cùng ông giữ gìn nét văn hóa đặc sắc đó. 

Nghệ nhân Lò Văn Biến ở tổ Cang Nà, phường Trung Tâm - người được đồng bào dân tộc Thái Mường Lò yêu quý, kính trọng coi là nhà Thái học cho biết: "Nhà sàn là biểu trưng của sự hội tụ, tinh thần đoàn kết của một tộc người. Nhà sàn cũng được xem như một bảo tàng nghệ thuật sống tái hiện bức tranh văn hóa Thái sống động, qua bao nhiêu thế hệ người Thái Mường Lò chung sống dưới nếp nhà sàn là bấy nhiêu thời gian họ cùng nhau vun đắp và bảo tồn được nét đẹp bản sắc dân tộc mình. Nơi ấy cũng là nơi gửi gắm niềm tin với các thần linh, lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần từ ngàn xưa còn âm hưởng tới ngàn sau”. 

Theo truyền thuyết xa xưa của người Thái, thần Rùa đã dạy cho người Thái cách làm nhà như hình rùa đứng sẽ tránh được lũ lụt và thú dữ. Hình ảnh "khau cút” là hai thanh gỗ bắt chéo nhau theo hình chữ X trên đầu hồi nhà là biểu tượng của sừng trâu - loài linh trưởng gắn bó với cuộc sống trồng cấy lúa nước và truyền thuyết khai thiên lập địa của người Thái đen Mường Lò. "Khau cút” cũng là để nhận biết nhà của người Thái Mường Lò với nhà của người Thái ở nhiều địa phương khác. 

Ở gian giữa nhà là bếp lửa vừa để giữ ấm cho gia đình khi mùa đông giá rét vừa để đun nấu phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Nhà sàn đặc trưng của người Thái đen thường có hai cầu thang, đặt hai bên lên xuống khác nhau, cầu thang 7 bậc tượng trưng cho 7 vía của người đàn ông còn cầu thang 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của người phụ nữ. Sở dĩ có hai cầu thang là vì trước kia người Thái thường có tục lệ bắt con trai ở rể, trong suốt thời gian ở rể, người con trai chỉ được phép đi bên cầu thang có 7 bậc, người phụ nữ cũng chỉ được đi bên cầu thang có 9 bậc. 

Theo dòng chảy của thời gian, ngày nay để thích ứng với sự phát triển của xã hội, những ngôi nhà sàn cũng được quy hoạch lại cho phù hợp với không gian mới. Ngôi nhà của người Thái đang dần thay đổi với những nguyên liệu mới, để phù hợp với kiến trúc hiện đại đảm bảo sinh thái và giữ gìn vệ sinh môi trường. 

Tuy nhiên, nếu không được quy hoạch lại cụ thể thì rất có thể chỉ vài năm nữa, những ngôi nhà sàn của dân tộc Thái không chỉ ở Mường Lò mà cả vùng Tây Bắc sẽ không còn và điều đáng tiếc nhất là nét văn hóa truyền thống dân tộc sẽ dần mất đi.

Ngọc Sơn