Tuần duyên Mỹ khẳng định mối quan hệ mạnh mẽ với cảnh sát biển Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/10/2019 | 2:46:29 PM

Tư lệnh Tuần duyên Mỹ Karl L. Schultz khẳng định mối quan hệ giữa lực lượng này với lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam rất mạnh mẽ.

Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl L. Schultz.
Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl L. Schultz.

"Tôi muốn nói rằng mối quan hệ với Việt Nam rất mạnh mẽ. Tôi từng tiếp đón Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, vào mùa hè năm ngoái tại trụ sở của chúng tôi ở Washington DC, và đó là cuộc trao đổi ở cấp lãnh đạo. Chúng tôi cũng có các cuộc trao đổi cấp chuyên gia với Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam”, Đô đốc Karl L. Schultz, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, nói trong cuộc họp báo qua điện thoại ngày 21/10, khi đưa ra nhận định về mối quan hệ giữa lực lượng tuần duyên Mỹ và cảnh sát biển Việt Nam.

"Chúng tôi đã bàn giao tàu tuần duyên có độ bền cao, dài 115 mét, cho Việt Nam theo Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA) của Mỹ. Chúng tôi cũng giúp Việt Nam bảo trì tàu và hướng dẫn thủy thủ đoàn để giúp họ sử dụng tàu này trong việc hỗ trợ cho các hoạt động của họ”, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ cho biết thêm.

Theo Đô đốc Karl L. Schultz, tuần duyên Mỹ "vẫn đang làm việc với các cơ quan khác của chính phủ Mỹ để hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, cũng như năng lực của lực lượng này”. Đô đốc Karl L. Schultz khẳng định đang có sự hợp tác tích cực giữa tuần duyên Mỹ và cảnh sát biển Việt Nam.

Cam kết của tuần duyên Mỹ

Theo Đô đốc Schultz, "mục tiêu của tuần duyên Mỹ là trở thành một đối tác minh bạch và được tín nhiệm trong khu vực". Do vậy, tuần duyên Mỹ cung cấp dịch vụ và huấn luyện để đáp ứng nhu cầu của từng quốc gia mà Mỹ hỗ trợ. Đô đốc Schultz cho biết sự hợp tác của tuần duyên Mỹ không chỉ dừng lại ở các chuyến thăm của các tàu, mà còn bao gồm huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, tuần duyên Mỹ cũng thúc đẩy việc bảo vệ môi trường, an ninh, an toàn hàng hải thông qua các hoạt động trong khu vực.

Trong 10 tháng qua, tuần duyên Mỹ đã triển khai hai tàu tuần duyên, Stratton và Bertholf, tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các hoạt động triển khai này đã củng cố quản trị hàng hải, thúc đẩy quan hệ đối tác và đối phó với các mối đe dọa nhằm vào Mỹ.

"Chúng tôi cũng thể hiện cam kết lâu dài của chúng tôi với khu vực bằng việc đưa 3 tàu tuần duyên phản ứng nhanh mới nhất của chúng tôi tới đảo Guam trong từ 2-3 năm tới. Việc bổ sung các tàu này sẽ gia tăng đáng kể sự hiện diện của tuần duyên Mỹ trong khu vực", Tư lệnh Tuần duyên Mỹ cho biết.

Tham vọng của Trung Quốc

Đánh giá về sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông, Đô đốc Karl L. Schultz cho biết "Trung Quốc dường như tập trung nhiều hơn vào việc thúc đẩy cũng như mở rộng các lợi ích của nước này trong khu vực, nhằm cạnh tranh với lợi ích của các nước châu Á cũng như trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

"Trung Quốc vẫn rao giảng về hành động hòa bình, nhưng sau đó chúng ta vẫn thấy sự xuất hiện của các đảo nhân tạo mà trước đó không hề có. Chúng ta thấy các đường băng trên các đảo này. Chúng ta cũng thấy các tên lửa hành trình chống hạm và các khí tài quân sự khác, vốn không hề tương xứng với giọng điệu (hòa bình) của Trung Quốc”, ông Schultz nói.

Theo Đô đốc Schultz, lực lượng tuần duyên Mỹ "cần tập trung vào việc tiếp tục thúc đẩy một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên các quy chuẩn quốc tế đã được thừa nhận và trật tự dựa trên luật lệ”.

"Chúng ta có thể thấy những khu vực như đá Chữ Thập, từ một nơi không có người ở, sau đó trở thành đảo nhân tạo, và bây giờ các khí tài quân sự đã xuất hiện trên đó, có thể là máy bay chiến đấu hoặc khí tài khác. Chúng ta rõ ràng thấy (Trung Quốc) tuyên bố rằng họ không quân sự hóa khu vực trong những năm qua, nhưng rốt cuộc chúng ta đã thấy những động thái ngược lại”, Tư lệnh tuần duyên Mỹ cho biết.

"Nếu các bạn nhìn vào Sáng kiến Vành đai và Con đường hay Sáng kiến Con đường Tơ lụa Địa cực của Trung Quốc, thì đây rõ ràng là lộ trình cho thấy Trung Quốc đang nhắm tới việc mở rộng hướng tiếp cận toàn cầu như thế nào. Gần đây tôi tới Greenland, và Trung Quốc đã cho thấy sự quan tâm của nước này trong việc kết nối với các dự án cảng biển và phát triển sân bay tại đây. Tôi nghĩ Trung Quốc rõ ràng có ý định mở rộng ảnh hưởng của họ”, Đô đốc Schultz nhấn mạnh.

(Theo Dân Trí)