Chuyện của Giàng A Páo

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/10/2019 | 1:08:42 PM

YênBái - Từng làm "con tin” bất đắc dĩ vì đứng ra cam kết khi đồng bào cho rằng con cháu mình bị đầu độc, rồi đi đầu làm lúa nước để cả bản làm theo, vận động đồng bào xóa hủ tục, không tái trồng thuốc phiện... Đó là cậu chuyện của Phó trưởng Công an xã sinh năm 1984 Giàng A Páo, xã Cát Thịnh (Văn Chấn).

Giàng A Páo (người bên trái) trong chuyến kiểm tra tái trồng cây thuốc phiện.
Giàng A Páo (người bên trái) trong chuyến kiểm tra tái trồng cây thuốc phiện.

 "Con tin”  bất đắc dĩ!  

Sau mấy lần "hò hẹn” qua điện thoại, chúng tôi mới gặp được nhau vì Phó trưởng Công an xã Giàng A Páo luôn phải bận giải quyết công việc. "Em thường xuyên đi cơ sở, có thôn tháng phải đến 2 - 3 lần để giải quyết công việc. Nhưng chưa bằng đi kiểm tra tái trồng thuốc phiện, giáp tận Phù Yên - Sơn La, giáp Trạm Tấu, mất cả tuần trên rừng đấy!”- Páo nói như phân trần. 

Như nhiều đàn ông người Mông, Páo có dáng người vừa phải nhưng rắn chắc, nhanh nhẹn, đúng "chất” vùng cao. Như vậy mới có thể vượt suối, băng rừng chứ - tôi nghĩ. Đợi Páo giải quyết một số việc cho bà con, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu. "Lý do nào em lại tham gia công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội?” - tôi hỏi. 

"Cũng bất ngờ anh ạ. Năm 2013, lúc đó em đang làm trưởng thôn Pín Pé, do yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, huyện đã lựa chọn. Vậy là em làm công an xã từ đó đến nay!” - Páo kể. Thì ra 6 thôn vùng cao là: Pín Pé, Khe Căng, Khe Chất, Đồng Hẻo, Làng Ca, Làng Lạnh - nơi đồng bào Mông sinh sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, vậy là từ tháng 9/2013, Páo làm công an xã. "Từ trưởng thôn sang làm công an có khó khăn nhiều không?” - tôi hỏi. "Khó chứ anh. Tuy nhiên, do em luôn được sự quan tâm giúp đỡ của các anh Công an huyện Văn Chấn, lãnh đạo xã và anh em trong Ban Công an xã, với lại em đã trải qua quân ngũ nên có những thuận lợi” - Páo chia sẻ.

Để hoàn thành được nhiệm vụ mới, Páo bỏ cả tháng trời nghiên cứu, tìm hiểu quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời lặn lội đến các bản gặp gỡ cấp ủy, chính quyền, già làng, người uy tín vừa làm công tác tuyên truyền vừa xin ý kiến. 

Quá trình tiếp xúc cơ sở, Páo nhận ra, bà con mình ít được tiếp cận kiến thức pháp luật nên thiếu hiểu biết, điều này rất dễ dẫn đến vi phạm pháp luật và bị kẻ xấu lợi dụng. Vậy là, sau các chuyến công tác, với sự tham mưu của Giàng A Páo và Ban Công an xã, những hội nghị tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, của huyện và xã được tổ chức. Đối tượng không chỉ là cấp ủy, chính quyền, công an viên mà còn mở rộng toàn bà con các thôn. Từ những hội nghị tuyên truyền, nhận thức pháp luật được nâng lên, bà con người Mông đã tự giác giao nộp vũ khí tự chế, không tái trồng thuốc phiện, từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, không để người chết lâu ngày mới mai táng... 

"Làm công an, phụ trách vùng cao, kỷ niệm nhớ nhất của Páo là gì!” - Tôi hỏi. "Nhiều kỷ niệm lắm anh à, nhưng kỷ niệm về dịch sởi cuối năm 2013 thì thực sự không quên!” - Páo nói. 

Chuyện là, vào 26 tháng Chạp năm 2013, trước khi cho học sinh bán trú về nghỉ ăn tết cùng gia đình, Trường Tiểu học Cát Thịnh tổ chức cho học sinh ăn uống và tặng mỗi em 1 bộ quần áo và vỉ sữa. Trên đường về nhà có 2 cháu ở thôn Táng Khờ - bản mới từ Làng Lao mới hạ sơn được ít lâu bị mệt. Khi về được thôn, các cháu sốt phát ban, hiện tượng này xuất hiện ở 42 cháu khác. Trước tình hình trên, bà con trong thôn rất hoang mang cho rằng nhà trường nấu cơm không đảm bảo, sữa tặng không đảm bảo chất lượng. Có người còn độc mồm phao tin các cháu bị đầu độc vì con em người Kinh không bị sao. 

Nhận được tin báo, ngày  29 tết, xã thành lập tổ công tác do Páo làm tổ trưởng vượt 20 km đường rừng lên thôn. Lúc đó, tình hình trong thôn rất hỗn loạn vì 6 cháu đã chuyển biến rất xấu. Tổ công tác làm công tác tuyên truyền, vận động đưa các cháu xuống viện nhưng từ bí thư chi bộ đến trưởng thôn không nghe vì họ cho rằng các cháu bị đầu độc, xuống viện bị hại chết. Nhiều gia đình đã chuẩn bị để quay lại bản cũ cách hàng chục ki-lô-mét. Tuyên truyền, giải thích, vận động mãi, họ mới đưa ra yêu cầu: "Nếu đưa xuống viện, con chết, cán bộ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!”. 

Mới chuyển sang làm công an được mấy tháng, kinh nghiệm xử lý chưa có, trách nhiệm lại quá lớn, Páo chạy cả tiếng đồng hồ đường rừng xuống nơi có sóng điện thoại để gọi điện xin ý kiến chỉ đạo. Tình hình cấp bách, đường lại xa, lãnh đạo Đảng ủy xã chỉ đạo: Căn cứ thực tế để tùy tình hình quyết định. Quay lại thôn với tâm trạng rối bời, tuy nhiên, trước sinh mệnh của các cháu, Páo bạo gan đứng ra nhận trách nhiệm trước bà con. 

Vậy là, ngay trong đêm, cả thôn đốt đuốc huy động lực lượng dùng cáng chuyển toàn bộ các cháu xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Trần Phú, lúc đó là đêm 30 tết. Xuống viện, tình hình các cháu chuyển biến xấu vì chưa có phác đồ điều trị. Páo và tổ công tác bị bà con "quây”, bắt làm "con tin” vì anh chính là người đứng ra cam kết. Tưởng con sẽ chết, nhiều người trong bản đã định đưa con quay về, bàn nhau lấy súng có thể manh động. 

Sang mùng 1 tết, dịch bệnh đã lan toàn xã, một cháu ở thôn Khe Chất không đi học nhưng có diễn biến tương tự và tử vong. Mọi người trấn an tư tưởng bà con, đây không phải do thực phẩm kém chất lượng, bị đầu độc mà do dịch bệnh. Ngày mùng 3 tết, có kết quả xét nghiệm từ trung ương, các cháu bị bệnh sởi do chưa được tiêm vắc - xin. Sự bạo gan của Páo đã giúp tất cả trẻ em ở Làng Lao được cứu. "Năm đó, gia đình em không có tết nhưng cũng vui anh ạ!”  - Páo hồ hởi.

Về Giàng A Páo, Bí thư Đảng ủy xã Cát Thịnh Dương Trung Lợi nhận xét: "Xã Cát Thịnh rộng 16 ngàn héc - ta, gấp 3 - 4 lần một xã tương đương, là nơi sinh sống của 16 dân tộc, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc Mông ở 6 bản vùng cao; do đó, Đảng ủy đã phân công đồng chí Páo - Phó trưởng Công an xã phụ trách an ninh dân tộc. Là người có trình độ, nắm chắc địa bàn cũng như phong tục, tập quán, lại nhiệt tình, năng nổ trong công việc, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí cùng Ban Công an xã đã tham mưu giúp Đảng ủy và chính quyền thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Trước kia, tình trạng di dân tự do, mất đoàn kết, tái trồng thuốc phiện... diễn ra nhưng nay tình hình đã có nhiều chuyển biến, địa bàn cơ bản ổn định, an ninh chính trị được giữ vững”. 

Giúp Pín Pé đổi thay

Sinh năm 1984, tại Pín Pé - một bản người Mông nghèo dưới chân đèo Ách, đến tuổi trưởng thành, Páo đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân tại Trung đoàn 174, thuộc Sư đoàn 316. Nỗ lực phấn đấu, ngày 1/10/2006, Páo được kết nạp Đảng rồi học lớp tiểu đội trưởng. Hết nghĩa vụ quân sự, Páo giải ngũ. Là đảng viên, Páo được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ thôn. "Bản có 86 hộ, toàn hộ đói ăn vì không ai biết làm lúa nước, dù năm 2008, Nhà nước đầu tư xây dựng kênh mương thủy lợi dẫn nước từ suối Phà về ” - Páo nhớ lại.

Để làm cán bộ tốt, Páo nghĩ, phải đi học để nâng cao trình độ và phải là tấm gương sáng phát triển kinh tế. Vậy là, không quản ngại khó khăn, Páo nộp đơn xin theo học bổ túc từ lớp 6 - 12 tại Trạm Tấu. Khai hoang ruộng lúa nước, Páo bỏ 4 ngày trực tiếp sang xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, xem bà con khai phá kiểu gì. Được một số anh em tư vấn, về nhà Páo rủ một người anh em họ lên mảnh đất trồng ngô tìm đất làm ruộng. Lúc đó kênh mương đã bị san lấp, phải dùng nguồn nước tự nhiên. Sau 3 tháng đánh vật với đồi đất, Páo đã có 3.000 mét vuông ruộng nước. 

Vụ đầu mà lúa đã tốt. Thấy Páo có thóc ăn, thêm 7 hộ bỏ diện tích ngô sang làm ruộng. Diện tích tăng lên, vấn đề đặt ra phải đảm bảo nguồn nước, vậy là 7 hộ quyết định phân công nhau nạo vét lại kênh mương thủy lợi. Mất 2 tháng trời, con mương dẫn nước suối Phà lại đưa nước mát về tưới trên cánh đồng. 

Từ những thước ruộng ban đầu của Páo, học tập nhau, từ năm 2010 - 2011, nhiều hộ người Mông Pín Pé đã bỏ ngô, lúa nương năng suất thấp sang làm ruộng lúa nước, khu vực bãi ngô nương trước kia đã tăng lên thành 7 ha ruộng nước. Ngoài ra, nhiều khu vực khác có thể làm ruộng lúa nước bà con đều khai hoang nâng diện tích toàn bản lên thành 12 ha. Dù chưa thoát nghèo nhưng người Mông Pín Pé đã ấm cái bụng, những bát cơm trắng đã thay rổ mèm mém. 

Cùng làm lúa nước, Páo còn vận động gia đình trồng 3 ha quế, 4 ha rừng, làm gương phát triển kinh tế trong thôn. Với uy tín của mình, năm 2012, Páo được bà con bầu làm trưởng thôn. Ông Giàng A Cu - người có uy tín thôn Pín Pé bảo: "Thằng Páo giỏi đấy, khéo vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, của tỉnh, huyện. Học tập nó, bà con trong thôn trồng chè shan, trồng quế, bồ đề, phát triển chăn nuôi, nhiều hộ có tài sản giá trị ba, bốn trăm triệu đồng!”. 

Đời sống đã có bước phát triển mà trong thôn vẫn còn nhiều hộ nghèo? "Người thôn Pín Pé không còn đói bụng đâu nhưng do điện dân tự kéo, đường xa, dây kém, điện chỉ đủ thắp sáng, những đồ dùng như ti vi, tủ lạnh, đồ dùng sản xuất không dùng được. Năm ngoái, gia đình em mua tủ lạnh, máy nóng lạnh nhưng không sử dụng được mà phải trả lại để chuyển sang dùng ga. Vì vậy, điều tra hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, chỉ gia đình em mới thuộc diện thoát nghèo!” - Páo cười giải thích. 

Nụ cười của Páo làm chúng tôi ấm lòng. Với những cán bộ như thế có lẽ nào vùng cao sẽ không tiếp tục đổi thay!
Đ.T