Văn Yên phát triển đồ thủ công mỹ nghệ từ quế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/11/2019 | 8:01:05 AM

YênBái - Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ, gỗ quế như: hộp đựng tăm, đựng giấy ăn, đựng chè, ống điếu… đã cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với sản phẩm vỏ và gỗ quế thông thường.

Đồ thủ công mỹ nghệ từ quế của huyện Văn Yên trở thành mặt hàng lưu niệm được nhiều người yêu thích.
Đồ thủ công mỹ nghệ từ quế của huyện Văn Yên trở thành mặt hàng lưu niệm được nhiều người yêu thích.


Là vùng quế lớn nhất nước, với diện tích trên 40.000 ha, những năm gần đây huyện Văn Yên mỗi năm xuất ra thị trường trên 7.000 tấn vỏ quế khô, trên 60.000 m khối gỗ quế, khoảng 300 tấn tinh dầu quế cùng với sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) từ cây quế đã, đang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

Chúng tôi thăm cơ sở sản xuất đồ TCMN từ quế của anh Nguyễn Tiến Hoàng ở tổ 6, thị trấn Mậu A. Hương quế nồng ấm lan tỏa từ các sản phẩm TCMN khiến tinh thần khoan khoái, phấn chấn. Càng thú vị hơn khi tận mắt thấy anh Hoàng chế tác những sản phẩm TCMN tinh xảo từ vỏ, gỗ quế như: hộp đựng tăm, đựng giấy ăn, đựng chè, ống điếu… 

Được biết, để đáp ứng đủ đơn đặt hàng, mỗi năm anh nhập từ 7 - 8 tấn vỏ quế nguyên liệu và trừ các khoản chi phí, anh Hoàng thu về trên trăm triệu đồng tiền lãi/năm. 

Hiện nay, huyện Văn Yên có nhiều hộ đang phát triển kinh tế bằng sản xuất đồ TCMN từ quế. So với sản phẩm vỏ và gỗ quế thông thường thì các đồ TCMN làm từ vỏ, gỗ quế cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần.  Đây là lý do để các hộ sản xuất đồ TCMN từ quế ở Văn Yên yên tâm gắn bó với nghề. 

Để làm ra được những sản phẩm chất lượng, đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của thị trường, những người chế tác đồ TCMN từ quế không chỉ cần có bàn tay khéo léo, óc sáng tạo mà còn phải có kinh nghiệm lựa chọn, xử lý nguyên liệu. 

Anh Trần Quốc Thịnh - công nhân chế tác đồ TCMN tại Hợp tác xã Quế Văn Yên cho hay: "Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, tỷ mỉ và có tâm với nghề. Bởi thế, chúng tôi luôn tập trung cao cho công việc, không ngừng tìm tòi, học hỏi nâng cao chất lượng cũng như tính thẩm mỹ của sản phẩm, để mỗi sản phẩm đến tay khách hàng phải là sản phẩm tốt nhất”.

Được biết, để phát triển thương hiệu quế Văn Yên vươn xa tới nhiều thị trường trong, ngoài nước, thời gian qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, huyện Văn Yên tích cực tổ chức các lớp dạy nghề sản xuất đồ TCMN từ quế cho nhân dân các xã trọng điểm về quế; tổ chức lễ hội quế; tham gia giới thiệu, trưng bày sản phẩm từ quế tại các hội chợ thương mại, các hội nghị, lễ hội, triển lãm lớn hàng năm như: Lễ hội Quế Văn Yên; Lễ hội đền Đông Cuông; Triển lãm du lịch quốc tế Việt Nam; Hội thảo chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm để thúc đẩy phát triển ngành gia vị các tỉnh miền núi phía Bắc… 

Qua đó, góp phần giúp các sản phẩm quế của huyện được nhiều cá nhân, doanh nghiệp biết đến. Qua tìm hiểu, các cơ sở sản xuất đồ TCMN làm từ cây quế ở Văn Yên đang hoạt động khá tốt, thu hút được khách du lịch tới tham quan, mua sắm và có nhiều đơn đặt hàng trong nước, quốc tế. Huyện Văn Yên đã thành lập được hợp tác sản xuất đồ TCMN từ quế tại thị trấn Mậu A, xã Viễn Sơn và thành lập tổ hợp tác sản xuất ở một số xã. 

Chị Nguyễn Ngọc Hà - du khách Hà Nội chia sẻ: "Mùi thơm đặc trưng của hương quế còn lưu lại trên các sản phẩm đồ TCMN từ quế là nét độc đáo mà không phải loại gỗ nào cũng có được. Hương quế giúp tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, tăng cường chức năng não, giảm stress… nên mỗi lần có dịp tới Văn Yên tôi thường mua các sản phẩm TCMN từ quế để tặng cho người thân, bạn bè”.

Việc phát triển nghề thủ công mỹ nghệ từ quế là hướng đi hoàn toàn đúng của huyện Văn Yên nhằm nâng cao hơn nữa giá trị cây quế. Theo đó, thời gian tới, huyện Văn Yên cần có chiến lược cụ thể, dài hơi về quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư; xây dựng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. 

Hồng Oanh