Cuộc đấu tranh gian khó và lâu dài

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/11/2019 | 8:02:23 AM

YênBái - Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta phải nhận diện rõ ràng rằng, nền tảng tư tưởng của Đảng ta chính là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nên phải tập trung bảo vệ. Trong Điều lệ Đảng (do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua) quy định rõ:

"Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. 

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng nêu rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. 

Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”. Cùng với việc nhận thức đầy đủ về nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cũng phải nhận diện chính xác những đối tượng đang chống phá nền tảng tư tưởng Đảng hiện nay. Có thể chia thành 3 nhóm đối tượng:

1. Nhóm đối lập về mặt hệ tư tưởng. Chúng ta là hệ tư tưởng vô sản thì những người theo hệ tư tưởng tư sản, kể cả tàn dư phong kiến sẽ quyết liệt chống lại chúng ta. Cuộc đấu tranh này cũng là cuộc đấu tranh không khoan nhượng và liên tục kể từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời vào thế kỷ 19 đến nay.
2. 

Các thế lực thù địch về chính trị, chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta, với mục đích làm con đường phát triển đất nước của Đảng chệch hướng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Những thế lực này tuy không đối lập hoàn toàn về hệ tư tưởng nhưng vì mục tiêu chính trị nên chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa và có thể gọi đây là những đối tượng phản động, hay cơ hội chính trị.

3. Là những người vốn là đảng viên cộng sản nhưng không chịu tu dưỡng, học tập, nâng cao tư tưởng, đạo đức cách mạng dẫn tới tha hóa về tư tưởng, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí là phai nhạt lý tưởng mà Đảng ta đã chỉ rõ là "tự chuyển hóa, tự diễn biến” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ rõ những người này là một bộ phận suy thoái về tư tưởng, chính trị.

Hiện nay, toàn Đảng đang triển khai những nhiệm vụ quan trọng chuẩn bị cho Đại hội XIII, nên đây cũng là dịp các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá cách mạng nước ta, nhất là về tư tưởng. Sau nhiều thập kỷ thực hiện chính sách thù địch, chống phá không đạt hiệu quả, các thế lực thù địch đang thay đổi phương thức hoạt động. 

Tuy nhiên, mục tiêu nhất quán của chúng không thay đổi là nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, "phi chính trị hóa”, vô hiệu hóa quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các thế lực thù địch tấn công, phủ định, xuyên tạc học thuyết Mác - Lênin, đưa ra các luận điệu "đấu tranh giai cấp”, "tập trung dân chủ” là cổ vũ cho bạo lực, chiến tranh, độc quyền, độc đoán, thủ tiêu dân chủ; phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện và đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử.

Các thế lực thù địch còn tấn công vào đường lối của Đảng khi cho rằng "không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản vì Việt Nam đang xây dựng và phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng”. 

Vậy nên, cần giải quyết các vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó, theo chủ nghĩa xã hội dân chủ là tốt nhất; nền kinh tế thị trường lại định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ không thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, sẽ bị cô lập trên trường quốc tế. 

Tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp, đòi đa đảng. Các thế lực chống cộng tập trung đánh vào các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là vào nguyên tắc tập trung dân chủ. Bằng việc vu cáo Đảng chiếm quyền của dân, vi phạm dân chủ, nhân quyền, "độc đoán, đảng trị”, thực hiện sự chuyên chính của một đảng, sự thống trị quan liêu của giới thượng lưu, chúng đối lập Đảng với Nhà nước; đối lập Đảng, Nhà nước với nhân dân...

Trong tình hình hiện nay, cần nhận diện đầy đủ, đúng đắn cũng như có biện pháp, phương hướng xử lý, đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, cần phải xác định, đây là một cuộc đấu tranh đầy gian khó và lâu dài.

B.T