Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/11/2019 | 7:50:12 AM

YênBái - Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa phát sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 464,6 tấn/ngày. Trong lĩnh vực y tế, Yên Bái hiện có gần 400 cơ sở y tế, mỗi ngày phát sinh khoảng 350 kg rác thải rắn nguy hại.

Chất thải nhựa trong y tế được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, so với chất thải nhựa khác, chất thải nhựa y tế khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, dễ phát sinh mầm bệnh. Hoạt động chôn lấp, đốt không thể giúp phân hủy chúng mà còn gây ra các khí thải độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc chôn lấp, gây ô nhiễm nguồn nước, làm chết các loài vi sinh vật có lợi dưới lòng đất và chính điều này đã phần nào hủy diệt môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. 

Hưởng ứng Thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và chỉ thị, đề án của Bộ Y tế về xử lý rác thải y tế, thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa”, nhất là trong lĩnh vực y tế. 

Cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngành y tế Yên Bái đã phát động trong toàn thể công chức, viên chức, người lao động hạn chế sử dụng và thường xuyên truyền thông hướng dẫn chống rác thải nhựa; tuân thủ việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý chất thải, tăng cường phân loại để thu gom tái chế, chất thải y tế là nhựa đảm bảo theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện kế hoạch từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của trong đơn vị. 

Đồng thời, chú trọng tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt phong trào "Chống rác thải nhựa” và có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong cơ quan, đơn vị. Mặt khác, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường công tác truyền thông về giảm thiểu chất thải nhựa. Các trạm y tế xã cũng nghiêm túc chấp hành, nâng cao ý thức cho y, bác sỹ và người bệnh qua việc treo khẩu hiệu tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại trạm…

Từ những việc làm cụ thể, đã góp phần làm thay đổi bước đầu nhận thức, góp phần giảm thiểu chất thải nhựa, trong đó có chất thải y tế. Tuy nhiên, với đặc thù nguy hại của chất thải y tế, để quản lý tốt, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền vận động, ngành y tế cần tiếp tục phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải nhựa y tế.

Trần Minh