"Đất lành chim đậu" hay là sự vô ơn?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/11/2019 | 8:08:14 AM

YênBái - Đầu tháng 11/2019 các trang mạng xã hội rộ lên tin về 39 người chết trong xe đông lạnh ở nước Anh được cho là người Việt Nam.

Việt Nam đã chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh:  Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 bế mạc ngày 4/11 vừa qua.
Việt Nam đã chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 bế mạc ngày 4/11 vừa qua.

Tôi bất chợt đọc được trên Facebook hai câu bình luận của hai người tôi quen. Một người bình ráo hoảnh: "Đất lành chim đậu, ông cha ta đã nói rồi"; người thứ hai than thở "Hôm đưa người nhà vào viện mới thấy cơ cực ! Con người không được đối xử như con người. Nhớ một lần sang nước ngoài thăm con chẳng may bị ốm phải vào viện mới thấy ở cái xứ sở "Tư bản giãy chết" này họ chăm sóc con người tận tình, chu đáo như thế nào!".

Tệ hơn, trên một trang mạng xã hội còn đăng ảnh một người đàn ông nhỏ thó giơ trên đầu tờ giấy có dòng chữ "Còn cộng sản thì người dân còn bỏ nước ra đi" và một người khác viết "Ở đất nước này, nếu đi được cái cột điện nó cũng ra đi"… 

Những người này đều ngợi ca đất nước người - nơi mà chủ nghĩa tư bản đã 500 năm bóc lột, vơ vét tài nguyên khắp thế giới về xây đắp xứ sở của họ. Rồi trực tiếp hoặc gián tiếp hắt hủi, chê bai quê hương đất nước mình, đổ lỗi mọi chuyện cho Đảng, nhà nước vì mục đích chống cộng. 

Họ cố tình quên một sự thật là: Đất nước trải qua gần trăm năm Pháp đô hộ, hơn 30 năm chiến tranh đánh bại những kẻ thù hùng mạnh nhất để giành và giữ nền độc lập, thực chất chúng ta chỉ mới yên ổn làm ăn chừng 30 năm nay. 

Chiến tranh đã tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng và nền kinh tế, 3 triệu người chết, (trong đó có 1,1 triệu chiến sĩ các lực lượng vũ trang hy sinh), 2 triệu người mang thương tích suốt đời hoặc phơi nhiễm điôxin, 600.000 thương bệnh binh, cả nước có 1.140.000 mẹ liệt sĩ, còn 30 vạn chiến sĩ hy sinh chưa tìm được hài cốt, 60 vạn km vuông đất ô nhiễm bom mìn, dự tính phải 300 năm mới rà phá hết. 

Sau chiến tranh, kẻ địch lại bao vây, cấm vận hòng bóp nghẹt nền kinh tế ốm yếu, bị tàn phá nặng nề. Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, không còn viện trợ. Hai gã khổng lồ nhất hành tinh bắt tay nhau để cùng dồn sức hòng bóp chết Việt Nam. 

Từ đổ nát, tơi tả trong chiến tranh bước ra, nhưng với tư thế của người chiến thắng, chúng ta đã kiên cường vượt qua tất cả để có cơ đồ hôm nay. Cả hai gã khổng lồ từng là cựu thù nay trở lại xin làm bạn, Việt Nam trở thành đối tác tin cậy là thành viên có trách nhiệm đối với các quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế, là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Chưa bao giờ vị thế và uy tín đất nước ta lớn như ngày nay. Từ lúc quá nửa dân số đói nghèo, ta đã vượt lên trở thành nước phát triển, đạt mức thu nhập trung bình 2.600USD/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn một con số. Năng suất lao động chưa cao bằng nhiều nước nhưng giá cả ổn định và siêu rẻ. 

Vì thế mà thu hút không biết bao nhiêu "Tây ba lô" đem mấy đồng trợ cấp thất nghiệp sang Việt Nam vẫn đủ sống. An ninh luôn được bảo đảm, không có xả súng ngoài đường hay trong trường học như nước Mỹ và các nước phương tây, không có khủng bố bằng bom mìn như các nước Trung Đông, Pakistan, Apganistan, Bắc Phi; cũng không có những dòng người tỵ nạn nườm nượp đi tìm miền đất hứa như Trung Đông, Bắc Phi hay các nước Nam Mỹ. 

Theo tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc, mỗi năm thế giới có hàng trăm ngàn người di cư vượt biên trái phép. Đây là vấn nạn nhiều quốc gia phải đối mặt chứ không riêng gì Việt Nam. Ngày 04/11/2019 Hy Lạp phát hiện một xe container đông lạnh chở 41 người Apganistan chạy qua nước này. 

Ở Việt Nam có chăng chỉ một số ít mù quáng, tham lam không bao giờ biết đủ mới bỏ tiền tỷ ra đi trong sự mạo hiểm đầy rủi ro đánh cược bằng mạng sống của mình. 

Nhìn lại đất nước hai chục năm về trước, hầu như cả nước sống trong đèn dầu, điện là thứ rất xa xỉ. Khi vài nhà ở nông thôn làm thủy điện nhỏ, sắm được cái ti vi đen trắng là cả làng đến xem nhờ, lúc họ về rồi thì sân vườn, nhà cửa tanh bành như bãi chiếu phim ngoài trời thời bao cấp. 

Thế mới có câu: "Muốn tan cửa nát nhà thì sắm ti vi". Nay mỗi nhà ít nhất cũng có 2-3 ti vi màu, trên 90% dân có điện lưới quốc gia, trên 90% dân số có thẻ bảo hiểm y tế, trong đó mỗi năm nhà nước bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mua thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách. 

Những con đường đất, đường mòn, đường rải đá cấp phối năm xưa nay đã được xây dựng hiện đại, rải áp phan, bê tông hóa đến tận thôn bản. 80 năm thuộc Pháp chỉ có một cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng thì nay đã có hàng trăm cây cầu vượt sông hiện đại trên khắp đất nước. 

Rồi phương tiện đi lại từ cuốc bộ, tiến lên xe đạp, xe máy, nay ô tô trở thành phổ biến. Điện thoại di động trở thành phương tiện của mọi người từ anh xe ôm, chị bán hàng, anh công chức và cả các em học sinh đều có.

Ngày xưa không ít người mặc quần bích kê đầu gối, áo vá vai… nay còn ai mặc áo vá không ? Từ chỗ cái gì cũng đi xin, đi vay nay đất nước đã làm đủ ăn còn xuất khẩu hàng trăm tỷ đô la Mỹ mỗi năm, từ người dân đến đất nước đều có của ăn, của để. Những người mở miệng chê đất nước nghèo và cho là tại cộng sản thì bản thân họ đã làm được gì cho đất nước ? Vậy thì xin đừng vô ơn, anh hùng rơm, chỉ giỏi nỏ mồm phê phán chê bai đất nước mình rồi khen tư bản giàu.

Ông cha ta có câu "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo". Đạo lý Việt Nam là thế! Đến con chó còn biết ơn người chủ nghèo nhường phần cơm nguội nuôi nó, nó cũng không chạy theo các ông chủ giàu có, huống chi những kẻ sinh ra lớn lên trên mảnh đất này, nhờ chính mảnh đất này nuôi họ, dạy họ, đào tạo họ thành con người biết làm ăn, có của ăn của để thậm chí có tiền nuôi con tự túc học ở nước ngoài, để rồi qua vài lần sang thăm con họ so sánh rồi khinh rẻ chính mảnh đất đã sinh ra, nuôi dạy họ. Như thế khác nào khinh rẻ chính cha mẹ họ? 

Đó là sự vô ơn bạc nghĩa của những kẻ bất mãn bởi lòng tham không có giới hạn. Kẻ tiêu cực thì dù sống trong nhung lụa, giàu sang, phú quý, nhà lầu xe hơi họ vẫn kêu khổ, kêu chán! Người hiểu biết sang nhà người thấy họ giàu sang phải về vắt óc nghĩ cách làm sao cho mình bằng họ chứ không phải tìm cách lần mò sang sống chui sống lủi ở nhà họ để đến khi bị chủ nhà phát hiện qui cho là "trộm" thì liệu ngôi nhà to đẹp đó có còn là "đất lành" để "chim đậu" không? 

Những kẻ vô ơn, chống cộng phun nọc độc để nhận mấy đồng bạc lẻ của bọn phản động từ nước ngoài chứ bản thân họ có dám rời mảnh đất Việt Nam đâu? Đó là một sự lừa bịp trắng trợn và độc ác nhằm kích động, xúi giục người khác tiếp tục ra đi đánh cược mạng sống của chính họ. Như vậy đâu có phải chúng quan tâm, xót thương gì đối với những nạn nhân chết trên đất khách quê người ?

Nhất Tâm (Tổ 12, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái)