Phản biện xã hội đối với dự thảo Quy chế quản lý vùng hồ Thác Bà và dự thảo Bảng giá đất tỉnh Yên Bái năm 2020

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2019 | 11:14:20 AM

YênBái - Thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội, ngày 11/11, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy chế quản lý vùng hồ Thác Bà và dự thảo Bảng giá đất tỉnh Yên Bái năm 2020 với sự tham gia của các thành viên Hội đồng Tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Quy chế quản lý khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà nhằm cụ thể hoá việc thi hành các quy định của pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi cá nhân trong việc khai thác, sử dụng hợp lý tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà - vùng có nhiều tiềm năng phát triển và nhạy cảm về môi trường của tỉnh Yên Bái. Vùng hồ Thác Bà bao gồm vùng đất, mặt nước hồ và các đảo hồ thuộc địa dư của 31 xã ven hồ Thác Bà. 

Quy chế này áp dụng đối với mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các hoạt động khác của các cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường trên địa bàn vùng hồ Thác Bà. 

Tại Hội nghị, hầu hết ý kiến đại biểu đại diện khối đoàn thể chính trị xã hội đều cho rằng, Quy chế quản lý vùng hồ Thác Bà được UBND tỉnh ban hành năm 2008, đến nay đã 10 năm nên nhiều quy định trong quy chế cũ đã không còn phù hợp, do vậy cần thiết phải bổ sung cho phù hợp. 

Đặc biệt, Quy chế quản lý vùng hồ Thác Bà cần đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng, đảm bảo sự phát triển tự nhiên của hồ Thác Bà. Cần có giải pháp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh ven hồ gây ô nhiễm môi trường; bổ sung một số điều về an ninh – quốc phòng, quy định về đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn giao thông đường thủy...

Về Bảng giá đất tỉnh Yên Bái năm 2020, theo dự thảo, Bảng giá áp dụng năm 2020 có mức tăng bình quân trên 20% so với quy định hiện hành đối với các loại đất. Việc điều chỉnh giá đất nhằm góp phần bình ổn về giá nói chung, đồng thời bảo đảm nguyên tắc tiếp cận dần với giá đất trên thị trường và sự cân đối giá đất giữa các vùng, miền, địa phương trên địa bàn tỉnh. 

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng Tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh đều đánh giá cao sự cần thiết ban hành giá đất mới theo quy định của pháp luật; mức giá, khung giá được thống nhất; việc xây dựng bảng giá các loại đất đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giảm bớt sự chênh lệch giữa bảng giá và mặt bằng thị trường. Việc chuẩn bị xây dựng giá đất cũng được nghiên cứu cụ thể, điều tra xã hội học đến đông đảo người dân và cán bộ địa phương. 

Anh Dũng