Những kỷ niệm không phai mờ

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/11/2019 | 12:56:05 PM

YênBái - 30 năm công tác dạy học vùng cao Mù Cang Chải với tôi thật đáng tự hào vì được là người giáo viên nhân dân, được đóng góp một phần nhỏ bé vào nền móng phát triển sự nghiệp giáo dục vùng cao.

Đồng chí Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải trao Bằng công nhân Trường tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Đồng chí Lương Thị Xuyến - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải trao Bằng công nhân Trường tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Sinh ra và lớn lên từ một làng quê ở Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, từ thuở nhỏ, tôi đã ước mơ làm cô giáo. Năm 1966, học xong lớp 7 phổ thông thì cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào thời kỳ ác liệt, bạn bè cùng trang lứa lần lượt xung phong đi bộ đội, vì là con gái nên tôi viết đơn xin đi phát triển văn hóa giáo dục miền núi.

Được gọi vào Trường Sư phạm 7+1, lúc đó đóng tại xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ cũ, khóa học 1965 - 1966, tôi được đào tạo cấp tốc 6 tháng về chuyên môn và chữ, tiếng dân tộc. Vì học giỏi tiếng Mông, ra trường, tôi được phân công về dạy học tại Mù Cang Chải khi chỉ 16 - 17 tuổi. 

Được phân công về Phòng Giáo dục và Đào tạo làm văn thư, thủ quỹ, tuy nhàn hơn các bạn đồng nghiệp vừa ra trường, song lòng tôi chưa thấy toại nguyện, tôi làm đơn xin xuống trường dạy học. Thời đó, bác Đinh Xuân Thái làm Trưởng phòng. Vì thấy tôi là nữ mà còn quá trẻ, bác không nỡ phân đi xa, song tôi quyết xin đi bằng được.

Bác bảo: "Các trường đã đủ giáo viên rồi, bây giờ chỉ còn Trường Thiếu nhi (nay là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải) là thiếu một cô giáo, sơ tán vào rừng sâu tại xã Chế Tạo xa lắm, cháu có đi được không?”. Tôi trả lời: "Xa cháu cũng đi!”. 

Thực lòng tôi chưa biết xã Chế Tạo thế nào, xa ra sao? Nhưng với lòng quyết tâm, 3 ngày hôm sau, tôi được bác Thái thân chinh đưa đi đúng 3 ngày ròng rã theo đường mòn, rẽ lau, lách cỏ, dốc cao, suối sâu vào nơi công tác. Gọi là trường, thực tế chỉ có hai dãy nhà tranh, tre với 6 gian nhỏ vừa làm lớp học vừa làm chỗ ngủ cho thầy và trò, còn một dãy nhà ăn, nhà vệ sinh, nhà ở giáo viên với 29 học sinh, 3 thầy cô giáo. 

Tôi nhớ, lúc đó thầy Vũ Xuân Nhận làm Hiệu trưởng, tôi và thầy Long làm giáo viên, bà Phạm Thị Phong làm cấp dưỡng. Lúc đó, gạo và rau, thịt do nhân dân xã Chế Tạo cung cấp, muối được Nhà nước phân phối. Khó khăn như vậy mà thầy trò chúng tôi cũng bám trụ được 2 năm trong rừng. Học sinh khóa đầu tiên vào lớp 1 do tôi làm chủ nhiệm hầu hết các em chăm ngoan và thành đạt. 

Tiêu biểu là em Giàng A Chu, nay là Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV; em Vàng A Sàng, nguyên Giám đốc Bệnh viện tỉnh Yên Bái; em Vũ Tiến Đức, nay là Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải... 

Năm 1969, tôi chuyển về trường La Pán Tẩn - lá cờ đầu của phong trào giáo dục của cả nước. Lúc đó vùng cao vô cùng khó khăn, muốn lên huyện phải đi bộ từ thị xã Nghĩa Lộ vào, còn đường vào xã, vào bản là đường mòn xuyên rừng. Về giáo dục, lúc đó, cả huyện mới có 36 thầy, cô giáo. Vì vậy, 13 xã chỉ có 1 đến 2 điểm trường tại UBND xã, mỗi điểm trường có 1 đến 2 giáo viên. Trường hầu hết đều làm bằng tranh tre, vách nứa, bàn ghế của thầy trò tạm bợ, điện thắp sáng chưa có, giáo viên nam còn đỡ, giáo viên nữ thì vô cùng khó khăn.

Thập kỷ 1960 - 1970, hầu hết đồng bào mù chữ. Vì vậy, không kể mưa nắng, tối sáng, không kể đêm ngày, đèo cao dốc núi… thầy cô chống gậy xuống bản vận động đồng bào Mông cho con em tới trường, ban ngày dạy phổ thông, ban đêm dạy bổ túc.

Khó khăn nhất là dạy các em bằng 2 thứ tiếng Mông và tiếng phổ thông và vận động các em ra lớp. Hơn thế, để tránh máy bay Mỹ bắn phá, đèn dầu không dám thắp sáng, chỉ lờ mờ như đom đóm. Áo chưa đủ ấm, cơm chưa đủ no, công việc nặng nề, vậy mà đội ngũ giáo viên vùng cao Mù Cang Chải chúng tôi vẫn yên tâm công tác, tất cả vì học sinh thân yêu, không thầy cô giáo nào bỏ việc.

Nhìn lại 60 năm xây dựng và phát triển giáo dục vùng cao Mù Cang Chải thật đáng tự hào. Từ vài chục giáo viên ban đầu, đến nay, vùng cao đã có đội ngũ trên 1.300 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Hơn thế, đội ngũ này đều có trình độ chuyên môn từ cao đẳng đến đại học và thạc sĩ. Từ tranh, tre, nứa lá, giờ 14 xã, thị trấn đều có lớp học nhà cao tầng. 

Việc dạy và học theo từng bước hiện đại hóa dạy và học, các em học sinh đầy đủ điều kiện phục vụ cho việc ăn, học. Rất đáng tự hào học sinh vùng cao nhiều em đã thành bác sĩ, kỹ sư, đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương; nhiều em là công dân gương mẫu trong xây dựng quê hương giàu đẹp. 30 năm công tác dạy học vùng cao Mù Cang Chải với tôi thật đáng tự hào vì được là người giáo viên nhân dân, được đóng góp một phần nhỏ bé vào nền móng phát triển sự nghiệp giáo dục vùng cao.

 Lại Thị Lụa (Nguyên Hiệu trưởng Trường TH-THCS thị trấn Mù Cang Chải)