Yên Bái nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2019 | 8:01:57 AM

YênBái - Bằng việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; đất đai; hỗ trợ khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… phù hợp với thực tiễn địa phương, Yên Bái đã tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển.

Sơ chế chè ở Hợp tác xã Vạn Hoa, huyện Văn Chấn.
Sơ chế chè ở Hợp tác xã Vạn Hoa, huyện Văn Chấn.

15 năm qua, tỉnh Yên Bái đã chủ động, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX. 

Bằng việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; đất đai; hỗ trợ khoa học kỹ thuật; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… phù hợp với thực tiễn địa phương, Yên Bái đã tạo điều kiện cho các HTX phát triển. 

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 332 HTX, tăng 58% so với năm 2003 với tổng số 25.053 thành viên, trong đó: 185 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm, ngư nghiệp, chiếm 55,7%; 77 HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, chiếm 23,2%; còn lại hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ. Các HTX đều xây dựng điều lệ, có phương án sản xuất kinh doanh, quan hệ bình đẳng dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện, cùng có lợi và cùng chịu trách nhiệm. 

Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, có khoảng 55% số HTX nhanh nhạy nắm bắt thị trường, lợi thế của địa phương để tổ chức sản xuất kinh doanh, chủ yếu là các HTX trồng và chế biến nông, lâm sản. Sự chủ động liên kết với các doanh nghiệp bước đầu đã hình thành các chuỗi sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến cung cấp sản phẩm cho thị trường và người tiêu dùng. 

Với khoảng 53% số HTX hoạt động ổn định và hiệu quả, các HTX trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp đã chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, nâng công suất, đổi mới dây chuyền công nghệ, chủ động tìm kiếm thị trường cũng như đã có hoạt động liên kết với doanh nghiệp. 

Đối với lĩnh vực dịch vụ có số HTX hoạt động hiệu quả cao nhất, chiếm tỷ lệ 77% với nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ như: thu mua nông sản đã qua sơ chế, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh vận tải, kinh doanh dịch vụ nhà hàng… 

Có nhiều mô hình nổi bật với cách làm mới, phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị đã hình thành và phát triển như: HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, HTX Quế hồi Việt Nam, HTX Nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà, HTX Vạn Hoa… 

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 836 tổ hợp tác (THT) đã tạo mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. 

Phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các HTX ở Yên Bái đã cho thấy: khi các HTX, THT hoạt động hiệu quả sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Với Yên Bái, mục tiêu phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tới là đổi mới toàn diện về tổ chức, hoạt động của HTX, THT; phát triển đa dạng các loại hình HTX, THT trong mọi lĩnh vực; tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia HTX, THT; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, thành viên HTX. 

Đồng thời cần tiếp tục củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể các cấp; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể các cấp. 

Thực hiện hiệu quả các giải pháp về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và THT, trọng tâm là tập trung chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ, tư vấn, khuyến khích thành lập mới HTX; giải thể các HTX ngừng hoạt động; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX. 

Ngoài ra, thực hiện nghiên cứu, khảo sát các mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, bố trí nguồn lực hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình HTX điểm, HTX kiểu mới và lựa chọn một số HTX có quy mô phù hợp để hỗ trợ xây dựng mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; bố trí kinh phí từ Chương trình xúc tiến thương mại, Chương trình thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 để ưu tiên hỗ trợ các HTX tham gia triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước… Thực hiện đồng bộ các giải pháp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, THT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển lớn mạnh.

Nguyễn Thơm