Sống không dầu đèn, chết thôi kèn trống

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2019 | 8:38:46 AM

YênBái - Cụ Định trong khu dân cư đã nhắm mắt xuôi tay, anh em, con cháu và bà con xóm phố cùng chung sức lo đám tang cho cụ. Cụ là người hiền lành, con cháu đều phương trưởng, hơn nữa nghĩa tử là nghĩa tận nên tất cả đều muốn đám tang cụ được chu toàn thể hiện tâm đức của con cháu và dân làng.

Lẽ ra mọi việc vẫn diễn ra như thường lệ và kế hoạch mà con cháu cụ Định đã chuẩn bị nhưng trong lúc họp triển khai công việc, anh Trường con trai cụ Định đưa ra ý kiến: "Làm tang lễ không có trống, kèn”. 

Anh Trường vừa đưa ra ý kiến thì mọi thành viên đều phản đối: "Không được, các cụ đã bảo rồi, sống có dầu đèn, chết phải kèn trống cơ mà”, "Vậy là phá lệ ạ, làm thế người ta chê trách cho”, "Phường bát âm mang nhiều ý nghĩa lắm, đêm đến còn chèo đò, đây là hoạt cảnh diễn trong đám tang, qua đó con cháu thể hiện lòng thành, đưa người quá cố về nơi đất Phật”, "Không trống kèn thì anh định làm thế nào, anh nói cho mọi người nghe xem”. 

Rồi anh Trường giọng chậm rãi nhưng rất cương quyết: "Sau đây là một số lý do không thuê trống kèn. Mọi người có biết phường bát âm có xuất xứ từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, giờ đã không còn phù hợp; âm thanh, loa đài ầm ĩ xóm phố; nội dung, hình thức thể hiện mỗi người, mỗi đoàn mỗi kiểu, cứ bịa ra, mô ly phê lung tung, chẳng ra thể thống gì. 

Xin hỏi ông, bà và các bác rằng, giờ còn ai thắp đèn dầu nữa không? Sống không dầu đèn thì chết bỏ kèn trống đi, ầm ĩ, ê a, rên rỉ… không còn phù hợp với nếp sống văn minh, hiện đại ngày nay. Vậy, không thuê thợ kèn thì làm thế nào? Xin thưa, trong suốt quá trình cử hành tang lễ, ban tổ chức cho phát nhạc "Chiêu hồn tử sỹ” với âm thanh vừa phải, đoàn đội hay cá nhân nào đăng ký xong thì mời họ vào viếng, viếng xong thì nói lời cảm ơn. Nhân đây cháu cũng đề nghị thêm, việc thắp hương cũng hạn chế tới mức thấp nhất, đại diện mỗi đoàn chỉ thắp một nén, làm vậy không phải là tiết kiệm mà tránh độc hại. 

Mọi người đều đã biết, hương làm từ nhiều loại hóa chất, hít phải khói hương rất độc hại, nhiều phòng tang chật hẹp, khói hương nghi ngút, mịt mù khiến người thân càng mệt mỏi thêm. Từ những lý do trên, cháu đề nghị, đám tang bà mình không có nhạc hiếu, tuyệt đối không thuê thợ kèn than khóc, cứ mở nhạc "Chiêu hồn tử sỹ”. Bà mình theo Phật giáo thì cho phát thêm những bản "Phật ca”. Nhà nào đó theo đạo Công giáo thì phát nhạc "Thánh ca”. 

Mọi người cứ mạnh dạn thực hiện đi, dù cái mới không dễ gì được tất cả mọi người chấp nhận nhưng cháu tin là sẽ không hoặc rất ít người chê trách, số người ủng hộ sẽ lớn hơn. Cái hay, cái tốt rồi sẽ được lan tỏa, cháu tin là như vậy”.

Thế rồi đám tang cụ Định diễn ra mà không có nhạc hiếu, không trống kèn, hát than rầu rĩ như những đám tang khác; người đến phúng viếng chẳng những bớt đi sự phiền hà mà còn cảm nhận được sự đổi mới, văn minh. Khi cụ Định đã mồ yên mả đẹp, buổi họp rút kinh nghiệm có sự tham gia của ban lễ tang và đại diện các gia đình anh em, con cháu. 

Tại cuộc họp này, ông trưởng ban công tác mặt trận khu phố, cũng là người thân tình với gia đình cụ Định đã phát biểu rằng: "Rất tâm đắc với đám hiếu không có trống kèn! Vừa văn minh, tiến bộ, vừa tiết kiệm lại còn không ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của xóm phố. Hạn chế thắp hương cũng rất hay, khói hương rất độc hại, nhiều tăng ni đã lên tiếng về việc này rồi. Cái hay, cái tiến bộ cần được nhận rộng”.

Tấn Đạt