Dự án EVAC tại Yên Bái: Để trẻ em được bảo vệ và yêu thương

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/11/2019 | 1:24:59 PM

YênBái - Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em (EVAC) do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ triển khai tại 10 xã thuộc 2 huyện Văn Chấn và Lục Yên, tạo nên sự thay đổi đáng kể về nhận thức, kỹ năng của trẻ em và cha mẹ trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

Các hoạt động truyền thông được Dự án EVAC phối hợp với các địa phương thực hiện góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Các hoạt động truyền thông được Dự án EVAC phối hợp với các địa phương thực hiện góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Bạo lực, xâm hại trẻ em đã và đang diễn ra phức tạp và đau lòng hơn nữa những người gây ra bạo lực, xâm hại phần lớn là người thân, người chăm sóc trẻ hàng ngày...

Trước thực trạng này, thời gian qua, Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động, dự án nhằm ngăn chặn và giảm thiểu bạo lực, xâm hại trẻ em và một trong những dự án đem lại hiệu quả thiết thực nhất là Dự án Chấm dứt bạo lực với trẻ em (EVAC) do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ triển khai tại 10 xã thuộc 2 huyện Văn Chấn và Lục Yên.

"Em sinh ra trong tình thương yêu, niềm hân hoan của bố mẹ. Ngày còn bé, em được bố mẹ thương yêu biết bao. Mỗi khi đi làm về, bố đều ôm em vào lòng. Khi đó, với bố, em là cả cuộc sống. Nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền đã dần khiến bố thay đổi. Bố cục cằn với em, những trận đòn roi thường xuất hiện mỗi khi bố không vừa lòng, nhất là những khi bố uống rượu say. Em rất thèm được bố mẹ yêu thương như bạn bè. Cuộc sống có khó khăn tới đâu, em vẫn yêu thương bố mẹ” - đó là tâm sự của Đ.H.T - học sinh lớp 8 trên địa bàn huyện Văn Chấn. 

Còn với em V.T.N cũng thuộc huyện Văn Chấn lại rơi vào hoàn cảnh éo le hơn khi vì hoàn cảnh gia đình nghèo và hủ tục lạc hậu của người dân tộc Mông địa phương em đã bị bố mẹ ép bỏ học lấy chồng khi đang học lớp 7 dù rất thích đi học. Rồi chồng V.T.N và mẹ chồng đi làm thuê xa để lại hai mẹ con em ở nhà tự chăm nhau. 

V.T.N tâm sự: "Cuộc sống của em ở nhà chỉ làm nương, rẫy, trông con. Nghỉ học lấy chồng chỉ khiến cuộc sống em thêm khốn khó. Nhiều khi đi qua trường học, thấy các bạn chơi đùa trên sân em lại thấy nhớ, tiếc và thèm được đi học”. Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến nay, Yên Bái xảy ra hơn 80 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 19 vụ bạo lực trẻ em. Về xâm hại tình dục trẻ em, 2 năm gần đây trên địa bàn tỉnh xảy ra 61 vụ.

Chung tay cùng Yên Bái nỗ lực phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, từ năm 2016 đến tháng 9/2019, Dự án EVAC đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tập trung tập huấn nâng cao năng lực và định hướng nghề nghiệp, kỹ năng điều phối nhóm cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em (BVTE); tập huấn cho giảng viên nguồn để tập huấn lại cho cộng đồng về các vấn đề liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; di cư an toàn; phòng, chống mua bán người; tập huấn kỷ luật tích cực; tăng cường sự hiểu biết, khả năng sẵn sàng tố cáo sự việc xảy ra trong cộng đồng... 

Tính riêng 9 tháng cuối triển khai Dự án năm 2019, Dự án đã tổ chức tập huấn, hội thảo cho 4.518 người, hỗ trợ Ban BVTE cấp huyện, xã tổ chức 16 sự kiện truyền thông tại cộng đồng và trong trường học với 3.394 người tham gia. 

Đánh giá về tác động của Dự án đối với huyện Văn Chấn, đồng chí Lê Ngọc Lâm - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện cho biết: Trong quá trình thực hiện Dự án EVAC, Văn Chấn đã tập trung rà soát, cập nhật trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt theo mô hình thăm hộ; đồng thời lập danh sách và đưa vào can thiệp trực tiếp cho nhiều hộ gia đình có trẻ em được hưởng lợi trực tiếp theo mô hình thăm hộ… 

Cùng với đó, việc cán bộ làm công tác BVTE được tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, BVTE trên địa bàn huyện và nâng cao nhận thức của người dân về thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em. 

Sau gần 4 năm triển khai Dự án EVAC, các hoạt động và các chỉ số kết quả của Dự án đã cho thấy đối tượng được tác động có sự thay đổi tích cực. Tỷ lệ cha mẹ cho rằng việc phạt trẻ em bằng bạo lực là điều phổ biến trong cộng đồng giảm từ 28% xuống còn 17%. Tỷ lệ trẻ em bị cha mẹ xử phạt bằng bạo lực giảm từ 41% xuống 19%. Tỷ lệ trẻ em sống trong môi trường không có bạo lực, xâm hại, bóc lột, sao lãng tăng từ 53% lên 71%. 

Dự án EVAC đã tạo nên sự thay đổi đáng kể về nhận thức, kỹ năng của trẻ em và cha mẹ trong việc chăm sóc, BVTE; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ban BVTE tại các địa phương; tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, hỗ trợ tài chính và bảo trợ xã hội cho các gia đình dễ bị tổn thương nhất… 

Mong rằng, thời gian tới sẽ thêm nhiều chương trình, dự án như EVAC để trẻ em được bảo vệ và yêu thương.

Lê Thương