Sơ kết toàn quốc 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/11/2019 | 12:37:06 PM

YênBái - Sáng 15/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Đồng chí Mai Tiến Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Triển khai Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 95/95 đơn vị bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo đó, từ giữa tháng 3 năm 2019 đến nay, có tổng số trên 230.000 văn bản điện tử được gửi và trên 627.000 văn bản điện tử được nhận giữa các cơ quan hành chính.



Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Yên Bái.

Phát biểu tại Hội nghị ở điểm cầu Yên Bái, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long đã thông tin về tình hình gửi, nhận, văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia và việc thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số thay văn bản giấy. 

Theo đó, thực hiện Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, thời gian qua, tình Yên Bái đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản Quốc gia theo đúng tiến độ và yêu cầu đề ra. 

Tới nay, phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được triển khai sử dụng tại 90 cơ quan, đơn vị với tổng số 4.129 tài khoản đã cấp. UBND tỉnh Yên Bái và các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện việc tiếp nhận 4.287 văn bản và gửi 4.500 văn bản điện tử qua hệ thống liên thông trên Trục liên thông văn bản quốc gia với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Văn phòng Chính phủ theo đúng chỉ đạo.

Việc áp dụng chữ ký số trong việc liên thông gửi nhận văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện chính thức từ tháng 12/2017. Đến nay đã cấp chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho 362 cơ quan, đơn vị và 79 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị đã có 15 ý kiến của các bộ, ngành, địa phương báo cáo sơ bộ về kết quả triển khai thử nghiệm hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối, liên thông các hệ thống QLVB&ĐH. Đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản, thông tư hướng dẫn liên quan đến việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính và ban hành quy chế quản lý văn bản điện tử mẫu; thành lập bộ phận chuyên môn để kiểm chứng, đánh giá các phần mềm kỹ thuật…



Đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã biểu dương tinh thần, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao vai trò của người đứng đầu, văn phòng ủy ban các cấp, các cán bộ thực thi văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin thay đổi hình thức, đổi mới cải cách trong việc thực hiện tiếp nhận và gửi văn bản điện tử qua hệ thống liên thông trên Trục liên thông văn bản quốc gia; đôn đốc các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện sớm thể chế mà Chính phủ phân công. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để nghị Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT), Viettel và các doanh nghiệp công nghệ thông tin khác giúp đỡ các địa phương về nền tảng hạ tầng trên cơ sở xã hội hóa; các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng hệ thống thiết bị ứng dụng đảm bảo an toàn nhất và có cơ quan kiểm tra theo chức năng về xuất xứ, thiết bị; các cơ quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch, lộ trình và xử lý các đề nghị của địa phương theo những ý kiến đã nêu tại Hội nghị. 

Đồng chí mong muốn các bộ, ngành, địa phương quan tâm dành nhân lực, nguồn lực trong việc phục vụ và xây dựng Chính quyền điện tử theo tinh thần "không chờ đợi ai, vừa làm vừa đúc kết để hoàn thiện, làm đâu chắc đấy” theo đúng tinh thần của Thủ tướng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh, có tầm nhìn rộng.

Thu Trang – Quyết Thắng