Mãi là tấm gương cho các thế hệ nhà giáo

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/11/2019 | 8:05:43 AM

YênBái - Chúng tôi gọi họ là những nhà giáo lão thành - những người đã đặt viên gạch nền móng cho sự nghiệp giáo dục Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng. Họ mãi là những tấm gương sáng cho các thế hệ nhà giáo ở Yên Bái viết tiếp bản hùng ca ngời sáng từ “mang ánh sáng văn hóa lên Tây Bắc” đến những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, cho đất nước.

Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Lê Thắng - Lê Minh Phụng ôn lại kỷ niệm.
Vợ chồng nhà giáo Nguyễn Lê Thắng - Lê Minh Phụng ôn lại kỷ niệm.

Những ngày cuối thu hanh hao khiến cho con người ta luôn muốn tìm về những kỷ niệm xưa cũ, muốn ôn lại những câu chuyện của "thanh xuân”, của "tuổi trẻ”. 

Trong ngôi nhà số 10 giản dị nằm ở phố Minh Khai, thành phố Yên Bái, vợ chồng ông giáo già Nguyễn Lê Thắng và bà Lê Minh Phụng mấy ngày nay phấn chấn khi hay tin tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức gặp mặt tri ân những thầy cô giáo đã xung phong đem "ánh sáng văn hóa lên Tây Bắc”. 

Theo lời giới thiệu, chúng tôi có hẹn với vợ chồng ông giáo già tại ngôi nhà số 10 ấy. Cánh cổng nhỏ cũ kỹ khuất sau lùm cây dù chỉ chứng kiến những năm tháng sau này nhưng cũng đủ hiểu về sự giản dị, liêm khiết của vợ chồng ông giáo - đại diện cho một thế hệ nhà giáo đánh đổi cả thanh xuân "đem ánh sáng văn hóa lên Tây Bắc”. 

Đã 60 năm rồi, những ký ức nhớ - quên của vợ chồng ông giáo như người chép sử bị lỗi, nhưng không quan trọng bằng cái cảm giác của thanh xuân tươi trẻ mười tám, đôi mươi ùa về.

Năm 1956, sau khi ra trường, ông Nguyễn Lê Thắng được phân công lên Sơn La. Thời điểm ấy cả vùng Tây Bắc mới chỉ có hơn 40 giáo viên, lúc ấy người dân cả vùng phải gồng mình chống chọi với giặc ngoại xâm, giặc đói và cả giặc dốt. Ông được phân công đi Sông Mã, dạy Trường cấp 1 Sốp Cộp, lúc đó thiếu giáo viên dạy cuối cấp, học sinh thường học hết lớp 3 thì dừng, nên khi ông về dạy lớp 4 thì học sinh ùn ùn kéo về trường. 

Nói đến đây mắt ông sáng lên: "Thời điểm đó ở Tây Bắc, một lớp hơn 30 học sinh hiếm vô cùng. Mà đặc biệt, chưa thi tốt nghiệp các cơ quan, đơn vị đã đến xin cán bộ. Học sinh thì đi học vất vả, nhà xa, đường sá đi lại khó khăn, có những em phải đốt đóm đi học. Thấy các em khổ quá, lúc đầu tôi cho các học trò ở cùng, nuôi các em ăn cùng. Từ đó tạo ra phong trào học trò đem gạo đến trường, ở lại, thứ 7 mới về. Dần dần tôi cùng với các thầy cô dựng các khu học xá (nhà ở cho học sinh). Các lãnh đạo nghe thấy dựng khu học xá, lên kiểm tra, rồi xin cấp chăn màn, học sinh mừng lắm, yên tâm học. Khu học xá ấy bây giờ chính là Trường Đại học Tây Bắc”. 

Lên Tây Bắc sau ông Thắng 3 năm, năm 1959, bà Lê Minh Phụng - nữ sinh Trường Trưng Vương cùng với hàng trăm học sinh Hà Nội, theo lời kêu của Bác Hồ, tình nguyện lên Tây Bắc dạy học. Bà bồi hồi nhớ lại: Lúc biết tin con gái tình nguyện đi Tây Bắc, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt, bảo rằng thân con gái lại phải lên nơi rừng núi, biết sao chịu được. Nhưng tôi vẫn quyết tâm đi, tôi nghĩ rằng tuổi trẻ là phải đi đây đó, phải cống hiến và làm những việc thật ý nghĩa. 

Trước khi lên Tây Bắc, chúng tôi được Bác Hồ trực tiếp đến động viên tại Trường Công Nông Trung ương. Buổi gặp mặt đó, Bác nói với 860 giáo viên chúng tôi về những khó khăn, thử thách sẽ gặp phải. Bác ân cần dặn dò và giao nhiệm vụ cho chúng tôi. 

Tôi nhớ mãi lời Bác dặn: "Các cô, các chú đã xung phong thì phải xung phong đến nơi đến chốn!”. Có lẽ chính nhờ lời dặn dò của Người mà khi bà Phụng lên tới Sơn La, bao nhiêu khó khăn hiện ra trước mắt, không thể làm chùn bước chân người con gái Hà Thành. Bà cùng với những người bạn, những người đồng chí của mình khắc phục khó khăn trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, để đồng hành cùng học sinh, làm nên những câu chuyện cổ tích có thật. 

Cũng bởi nỗ lực của bà khiến ông Thắng vô cùng khâm phục người con gái Hà Thành ấy rồi dần nảy sinh tình cảm. Còn bà lại cảm mến ông bởi sự gần gũi, giỏi giang. Cứ thế hai con người ở hai quê hương Nghệ An, Hà Nội, gặp nhau giữa núi rừng Tây Bắc, cùng viết nên câu chuyện cổ tích gieo chữ có thật ở nơi đây, cùng hun đúc một thứ tình cảm đặc biệt gồm tình yêu, sự khâm phục lẫn nhau và chung một ý chí "đem ánh sáng văn hóa” lên vùng cao. Nói đến đây, ông giáo cầm chặt tay bà, còn bà nhìn ông với ánh mắt trìu mến. Có lẽ tuổi 20 của ông bà đang ùa về, mang theo bao nhiêu ký ức tuyệt vời. 

Năm 1960, bà Phụng được điều động về Nghĩa Lộ, tiếp tục làm công tác dạy chữ, dạy người. Đến năm 1962, ông bà tổ chức đám cưới. Một đám cưới hân hoan diễn ra trong sự chung vui của họ hàng, đồng nghiệp. Và rồi ông về Nghĩa Lộ với bà để tiếp tục viết tiếp câu chuyện cổ tích gieo chữ ở nơi đây. 

Bà dạy cấp I, còn ông với sự ham học hỏi, ông kinh qua nhiều trường, nhiều cấp, nhiều vị trí từ dạy cấp I, cấp II rồi dạy ở Trường Sư phạm Nghĩa Lộ. Cứ chỗ nào khó khăn, thiếu giáo viên thì ông bà lại được điều động tới. 

Nhắc đến đây, ông Thắng nhớ lại: "Cứ điều động đến đâu là cả nhà 4 người, 2 vợ chồng và 2 đứa con trên một chiếc xe đạp, đứa đằng trước, đứa thì bà địu đằng sau, bên này vali quần áo, bên kia túi chăn màn đi đến đâu làm giường tre đến đó”. 

Năm 1976, khi thành lập tỉnh Hoàng Liên Sơn nhiều người cũng xin chuyển xuôi, nhưng ông bà quyết định ở lại, phần vì Yên Bái trở thành quê hương thứ hai của ông bà, phần vì lo việc học cho con cái bị đảo lộn nên ông bà đã gắn bó và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở Yên Bái. 

Sau đó, ông về làm Hiệu trưởng Trường cấp III Hưng Khánh 20 năm, tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, xây dựng trường, dạy biết bao thế hệ học sinh trưởng thành, trở thành những người giáo viên, cán bộ mẫu mực. 

Cả cuộc đời xung phong đem "ánh sáng văn hóa lên Tây Bắc”, tài sản sau cùng của vợ chồng ông bà là các thế hệ học sinh trưởng thành, thỉnh thoảng ghé qua thăm ông bà, là sự trưởng thành của các con, các cháu, còn về phần ông bà mãi giản dị, chân chất như chính tinh thần xung phong của 60 năm trước - tinh thần đã làm lên mùa thu huyền thoại ấy và mãi là tấm gương soi chiếu cho các thế hệ nhà giáo của Yên Bái tiếp tục làm nên rất nhiều những mùa thu kỳ tích sau này. 

Nhà giáo ưu tú Hà Văn Lợi - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh chia sẻ: "Sau khi tốt nghiệp sư phạm, lên miền núi dạy học, tôi đã được tiếp xúc với các thế hệ các anh, các chị xung phong lên miền núi từ những năm 1959 và trước đó. Được làm việc cùng các anh chị, tôi hiểu với những khó khăn vất vả của những ngày đầu ấy, các anh, các chị vẫn bám trụ với vùng cao đó là một tinh thần trách nhiệm, ý chí vượt khó, sự hy sinh lớn lao. Chúng tôi khâm phục lắm! Trong quá trình công tác, chúng tôi là những người đi sau, học tập được ở đội ngũ ấy rất nhiều. Hầu hết các thầy, cô khi lên đây đều là giáo viên cấp I, nhưng các thầy cô đã tiếp tục học tập trau dồi trở thành giáo viên cấp II, cấp III, nhiều thầy cô trở thành hiệu trưởng, rồi phó giám đốc ty giáo dục ngày đó. Các thầy cô thực sự là những tấm gương mẫu mực để những thế hệ giáo viên sau này học tập”. 

Hiện ở Yên Bái còn trên 50 các nhà giáo lão thành - những người đã cống hiến cả thanh xuân, đặt những viên gạch khó khăn đầu tiên cho giáo dục Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng. Để đến hôm nay, giáo dục Yên Bái đã có những bước tiến vượt bậc với những thành tựu quan trọng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Người dân Yên Bái không bao giờ quên được sự hy sinh ấy. Đặc biệt, họ mãi là những tấm gương cho các thế hệ nhà giáo sau này học tập, noi theo, viết tiếp bản hùng ca ngời sáng cho sự nghiệp "trồng người”.

Thanh Ba