Chiếc làn nhựa

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2019 | 8:12:44 AM

YênBái - Cô bạn học cùng cấp III ở quê nhắn tin qua Zalo: “Tôi gửi tặng bà một chiếc làn để đi chợ nhá! Cuối tuần này có việc, tôi sẽ mang xuống luôn cho”. Kèm tin nhắn của cô có hình ảnh chiếc làn màu xanh nước biển.

Là giáo viên nhưng cô còn kinh doanh online để kiếm thêm chút thu nhập cho gia đình. Cô cũng chia sẻ rằng, bản thân luôn tuyên truyền tới học sinh về việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần để chung tay bảo vệ môi trường thì không có lý do nào mình lại không thực hiện trong cuộc sống sinh hoạt đời thường khi có thể. 

Vì vậy nên cô muốn lan tỏa thông điệp đó một cách rất cụ thể, thiết thực mà không chỉ là hô hào, nói suông. Nghe thế, thấy lòng vui vui… Vui bởi những việc làm có ý nghĩa đã bắt đầu được khơi lên từ những người như cô, đã bắt đầu từ sự thay đổi những thói quen dù rất tiện lợi trong sinh hoạt hàng ngày nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp, có hại không nhỏ đến môi trường. 

Chiều rẽ qua hàng tạp hóa ở chợ mua vài thứ, ánh mắt chợt neo vào những chiếc làn nhựa nhiều màu sắc được bày bán. Những chiếc làn ấy chắc chắn mới xuất hiện trên kệ hàng này thôi chứ hầu như ngày nào mình chẳng ghé chỗ này, hôm qua còn chưa thấy. Hỏi chuyện, cháu gái bán hàng gật đầu cái rụp: "Ôi, nóng hổi đấy cô ơi, mẹ cháu vừa nhập hàng sáng nay!”. 

Giá bán lẻ là sáu chục ngàn một chiếc, còn nếu như ai mua một thùng hạt nêm Aji - ngon trị giá khoảng sáu trăm ngàn đồng thì sẽ được cửa hàng khuyến mại một chiếc làn. Hỏi thêm đã có ai mua làn chưa thì nhận được sự hào hứng của cháu: "Nhiều người hỏi đấy ạ và cũng có hai người mua rồi”. 

Cháu kể rõ hơn nữa, hai người mua làn là hai bác đã nghỉ hưu, nhà gần đây nên thường đi bộ đến chợ. Các bác ấy bảo mua cái làn đỡ phải tùng tằng lắm túi ni - lông, chiều tối thì cọ rửa sạch sẽ, phơi khô để ngày mai lại mang đi chợ.  

Câu chuyện của cháu gái bán hàng cũng gợi ra một vài suy nghĩ. Nhìn nhận một cách khách quan, việc sử dụng làn nhựa đi chợ để đựng đồ, thay thế túi ni - lông quả thực rất có ý nghĩa. 

Tuy nhiên, khu vực thành phố hay thị xã, hầu hết chị em phụ nữ, nhất là các nữ công chức, viên chức hiện nay đều đi xe máy tay ga, mặc váy nên chiếc làn sẽ phần nào gây vướng víu tại vị trí để chân, chưa kể sẽ còn bất tiện với những người phải thường xuyên đi giao dịch công việc ngoài cơ quan mà lúc nào cũng có chiếc làn treo ở đó. 

Mong muốn một ngày không xa sẽ có những chiếc làn nhựa được thiết kế một cách phù hợp hơn, kiểu như những chiếc ô gấp tiện lợi, nhỏ xinh. Tưởng tượng xem, chiếc làn có thể xếp lại gọn gàng, cho vào cốp xe máy, chiều về qua chợ giở ra đựng đồ bình thường thì có lẽ sẽ được chị em đón nhận hồ hởi hơn. Một sự thay đổi nhỏ có thể tạo ra những chuyển biến lớn.

Nguyễn Thơm