Tái đàn lợn cần có kiểm soát và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2019 | 9:30:38 AM

Tái đàn là vấn đề đang được người chăn nuôi quan tâm trong điều kiện hiện nay khi tại nhiều địa phương, dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày. Dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khuyến cáo, việc tái đàn cần có kiểm soát và áp dụng biện chăn nuôi an toàn sinh học.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Được đánh giá là một trong những địa phương có chính sách tái đàn lợn hiệu quả, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang Lê Văn Dương cho biết, hiện tại Bắc Giang có 208/230 xã có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã qua 30 ngày. Hơn 1 tuần nay, trên địa bàn tỉnh không còn lợn mắc DTLCP.

Ngay từ đầu, khi một số địa phương của tỉnh có dịch đã qua 30 ngày, cơ quan chuyên môn Thú y và sở NN&PTNT Bắc Giang đã có các văn bản hướng dẫn biện pháp tái đàn trên địa bàn tỉnh nhằm tranh thủ khi dịch qua để tái đàn ngay.

Các văn bản hướng dẫn tái đàn của Sở NN&PTNT đã đăng tải các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thống kê các trang trại, doanh nghiệp có con giống đủ điều kiện cung ứng cho tái đàn. Từ đó, giúp người dân nắm được thông tin, chủ động mua con giống từ các cơ sở đảm bảo để tái đàn. Đồng thời, khi các cơ sở tái đàn, các cơ quan chuyên môn cấp huyện, cấp tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức phòng dịch và giám sát chặt chẽ tình hình tái đàn nhằm đảm bảo hiệu quả quá trình tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi.

Ông Dương cho hay, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh, số lượng đầu lợn duy trì xung quanh khoảng 800 nghìn con. Trong đó, đàn lợn nái hiện nay gần 100 nghìn con.

Bên cạnh đó, thống kê của địa phương cho thấy, các trang trại lợn đảm bảo an toàn sinh học hiện có 376 trang trại. Trong đó có 72 trang trại chăn nuôi lớn chiếm số lượng lợn nái trên 20.000 con, số lượng lợn duy trì xung quanh 180 nghìn con. Như vậy, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, số lượng lợn chăn nuôi tại các trang trại lớn đã áp dụng triệt để mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh.

Hưng Yên là địa phương có thế mạnh chăn nuôi lợn. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hưng Yên, trước khi xảy ra DTLCP, địa phương có tổng đàn lợn 580 nghìn con. Từ khi bị DTLCP từ 1/2/2019, địa phương phải tiêu hủy 200 nghìn con. Toàn tỉnh có 151/161 xã có DTLCP. Đến nay, đã qua 30 ngày, Hưng Yên không có lợn ốm, lợn chết, bị bị tiêu hủy do mắc DTLCP.

Sau hậu dịch, Hưng Yên chủ trương tái đàn có trọng điểm và chỉ tái đàn với những cơ sở chăn nuôi, các hộ chăn nuôi khép kín. Cụ thể, đó là những cơ sở quản lý được vấn đề ra vào của con người và phương tiện; thực hiện được khử trùng tiêu độc và làm tốt khâu con giống, phải rõ nguồn gốc. Đáng chú ý, con giống sau khi nhập về phải lấy mẫu, có kiểm dịch, đồng thời nuôi cách ly.

Cũng theo ông Tuấn, Hưng Yên đang hướng dẫn người chăn nuôi không nên tái đàn ồ ạt mà cần thực hiện từng bước, có lộ trình. Sau khi lấy mẫu kiểm tra âm tính và nuôi cách ly một thời gian mới cho nhập đàn. Trong suốt quá trình nhập đàn, tiếp tục lấy mẫu, nếu kết quả âm tính sẽ tiếp tục cho tái đàn tiếp theo. Đến nay, tổng đàn của địa phương có từ 420-440 nghìn con, nguyên lợn thịt 250 nghìn con, lợn nái hậu bị 70-80 nghìn con.

Hướng dẫn việc tái đàn sau DTLCP, ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, Bộ NN&PTNT khuyến khích tái đàn tại các địa phương dịch đã qua 30 ngày, khuyến khích thực hiện tái đàn với điều kiện áp dụng biện pháp an toàn sinh học.

Đặc biệt, về vấn đề vận chuyển lợn giống cung cấp cho tái đàn, ngay từ tháng 5-6/2019, Bộ NN&PTNT đã có hướng dẫn cụ thể việc vận chuyển lợn giống từ địa phương đang có dịch ra bên ngoài hoặc ngược lại. Bộ đã làm việc với nhiều cơ sở cung cấp con giống lớn như: CP, Dabaco,…để đảm bảo nguồn giống phục vụ cho việc tái đàn. Đồng thời, với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, Bộ đã tổ chức nhiều hội nghị để phổ biến, tuyên truyền.

Với gần 60% số xã DTLCP đã qua 30 ngày, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương cần hướng dẫn, tổ chức người chăn nuôi tái đàn theo đúng chỉ đạo của Bộ. Việc tái đàn cần có kiểm soát và áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

(Theo dangcongsan.vn)