Phát triển giao thông nông thôn - tiền đề xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/11/2019 | 11:14:26 AM

YênBái - Khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), có lẽ cái khó nhất, hạn chế nhất chính là tiêu chí về giao thông. Giao thông đi lại khó khăn cũng đồng nghĩa với kinh tế - xã hội kém phát triển.

Người dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới
Người dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới

Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nhất là các xã vùng nông thôn đang trên bước đường xây dựng NTM, Yên Bái đã xác định phát triển hạ tầng giao thông nông thôn là nhiệm vụ quan trọng. 

Để cụ thể hóa, tỉnh đã phát động phong trào phát triển hạ tầng giao thông trong các tổ chức chính trị xã hội; thôn, xóm; huy động cả hệ thống chính trị, tổ chức chính trị xã hội vào cuộc mở đường về các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. 

Song song với đó, Yên Bái thực hiện cơ chế "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tùy từng tuyến đường tỉnh, huyện, xã có mức hỗ trợ cụ thể về vật liệu chính (cát, đá, xi măng, sắt thép). Ngoài những tuyến đường trong đề án của tỉnh thì mỗi địa phương có một cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của mình rất hiệu quả. 

Bằng sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, linh hoạt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và sự vào cuộc tích cực, nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phong trào làm giao thông nông thôn lan tỏa, rộng khắp từ xã vùng cao đến vùng thấp, đâu đâu cũng như "đại công trường” giao thông. 

Bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, mọi lực lượng để làm giao thông. Khó ai có thể tin, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố hóa được 2.216 km mặt đường bê tông xi măng; mở mới 2.130 km đường đất; xây dựng 2.456 công trình cầu, cống… với tổng kinh phí trên 4.156 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư 2.441 tỷ đồng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 806 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác. 

Từ một tỉnh có quá nửa số xã không có đường ô tô đến xã, đến thôn trong bốn mùa thì nay đã có trên 7.479 km đường giao thông nông thôn, tỷ lệ đường được kiên cố hóa đạt 36,5%. 

Với phương châm huy động tổng lực và phát huy tinh thần nội lực từ trong dân, dân làm đường dân đi, ngoài đóng góp tiền của, ngày công xây dựng còn có hàng ngàn tấm gương tiêu biểu hiến đất làm đường, xây dựng công trình phúc lợi xã hội với diện tích 343 ha. 

Nhiều gia đình không phải giàu có nhưng cũng đã hiến cả ngàn mét vuông đất thổ cư, đất vườn, đất sản xuất với giá trị cả chục, cả trăm triệu đồng như gia đình ông Dương Kim Thăng, xã Kiên Thành (Trấn Yên) hiến 1.600 m2; ông Lương Năng Đạt, xã Văn Lãng (Yên Bình) hiến 1.800 m2 đất, trong đó có 750 m2 đất lúa và trên 1 ngàn m2 đất rừng sản xuất… 

Giao thông phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn đã được nâng lên, hình thành vùng sản xuất chuyên canh gắn với chế biến và sản xuất hàng hóa với thị trường. Bên cạnh đó, giao thông phát triển góp phần giúp các thôn, xã đạt Tiêu chí 2 - Giao thông và hoàn thành mục tiêu đạt xã, huyện NTM. 

Giao thông phát triển đã góp phần đưa 61 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chiếm 38,85% tổng số xã của tỉnh, vượt 144% mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh đề ra. Dự kiến từ nay đến hết năm 2019, số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh là 69 xã và huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM; thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ là hai địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Kết quả trong phát triển hạ tầng giao thông là đáng ghi nhận, song hiện nay, tỷ lệ mặt đường chưa được kiên cố hóa vẫn còn 63%, số xã có đường ô tô đến thuận lợi bốn mùa chưa nhiều... Do đó, tiếp tục cần có nhiều hơn nữa những cách làm hay, sáng tạo và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp công sức của nhân dân các dân tộc trong tỉnh để có mạng lưới giao thông đáp ứng cho phát triển, xóa đói giảm nghèo xây dựng NTM.

Thanh Phúc