Yên Bái gắn đào tạo nghề với xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/11/2019 | 8:00:13 AM

YênBái - Toàn tỉnh hiện có trên 484.500 lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó, có tới 83% lao động tham gia hoạt động kinh tế ở khu vực nông thôn, gần 65% lao động làm nông nghiệp.

Học sinh Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong giờ thực hành.
Học sinh Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong giờ thực hành.

Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, Sở đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. 

Trong 10 năm qua, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... tỉnh Yên Bái đã đào tạo cho gần 150.000 người, trong đó, có trên 118.000 lao động nông thôn, chiếm 79% ở các cấp trình độ đào tạo”. 

Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, toàn tỉnh mở 1.680 lớp đào tạo nghề cho trên 49.300 lao động nông thôn, bình quân mỗi năm đào tạo cho 5.000 người; số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp chiếm trên 67%, lĩnh vực phi nông nghiệp trên 32%. Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án đã có trên 44.500 lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề, đạt 90%. 

Trong đó, số lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp trên 31.500 người, đạt 95%; lao động có việc làm sau khi đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp gần 13.000 người; đã có trên 2.600 người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; gần 3.200 người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm; gần 650 người tự thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; trên 1.500 người thuộc hộ thoát nghèo sau 1 năm học nghề và trên 4.300 người thuộc hộ có thu nhập khá sau 1 năm học nghề. 

Cùng đó, nhiều mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả như: sản xuất rau an toàn tại thành phố Yên Bái; trồng và sơ chế măng Bát độ, nuôi tằm và sơ chế kén tằm, may công nghiệp tại huyện Trấn Yên; chế biến gỗ rừng trồng, gia công các sản phẩm từ quế tại huyện Văn Yên; nghề xây dựng tại huyện Lục Yên; kỹ thuật nuôi ong mật tại huyện Mù Cang Chải; du lịch cộng đồng tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải... 

Có thể khẳng định, 10 năm qua, đào tạo nghề đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh năm 2019 đạt 60%, trong đó, tỷ lệ qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ đạt trên 29%. 

Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từng địa phương và của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.

Ông Ngô Thanh Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết thêm: "Để nâng cao chất lượng lao động nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Sở tiếp tục triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thực hiện Đề án: "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. 

Chúng tôi cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề; đồng thời, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của các địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Trong đó, tập trung đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề của địa phương, đào tạo nghề đối với lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng mỗi xã một sản phẩm, sản xuất theo chuỗi giá trị...”. 

Cùng đó, tỉnh sẽ rà soát sắp xếp, xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề bảo đảm phù hợp về cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu sử dụng của tỉnh; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo; tiếp tục chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tổ chức đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động, đào tạo theo vị trí làm việc, theo địa chỉ sử dụng lao động...

Hồng Duyên