Cần thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/11/2019 | 7:51:23 AM

YênBái - Để bắt kịp xu thế cũng như thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch và đề ra mục tiêu bám sát với mục tiêu Đề án của Chính phủ và giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc thay đổi phương thức thanh toán từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt (KDTM) trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, người tiêu dùng, người bán hàng, tổ chức tín dụng và tổng thể nền kinh tế. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 710 đơn vị trả lương qua tài khoản đạt tỷ lệ 68,53%; số lượng thẻ ATM phát hành đến hết 30/9/2019 là 281.069 thẻ, tăng 80.099 thẻ so với 31/12/2018; 44 máy ATM, 158 máy chấp nhận thẻ (POS và EDC) được lắp đặt tại các phòng giao dịch ngân hàng và khách sạn, nhà hàng, siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ hàng tiêu dùng, cửa hàng thời trang. 

Cùng với đó là hệ thống các dịch vụ tiện ích như Mobile Banking; Internet Banking; SMS Banking; ví điện tử... giúp khách hàng thực hiện được các lệnh giao dịch chuyển khoản, thanh toán cước dịch vụ qua mạng nhanh chóng, thuận tiện. 

Thêm nữa, nhiều đơn vị cũng có thêm khuyến khích, ưu đãi đối với cá nhân dùng thẻ và các phương tiện hiện đại trong thanh toán dịch vụ công. Vấn đề là, việc thanh toán điện tử tại tỉnh vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt của người dân còn cao. 

Các cây ATM chủ yếu là nơi trả lương thay cho các đơn vị, doanh nghiệp; nếu có giao dịch thì chủ thẻ chỉ trả tiền điện, nước qua ngân hàng, còn phần lớn là rút tiền mặt để chi dùng hàng ngày. Phạm vi triển khai các hoạt động thanh toán chủ yếu đang tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại thành phố, các huyện, thị xã. 

Còn ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì còn khá nhiều rào cản để người dân tiếp cận với dịch vụ bởi trình độ dân trí còn hạn chế, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng thúc đẩy thanh toán KDTM tại vùng nông thôn còn ít.  

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 80% giao dịch nộp thuế thực hiện qua ngân hàng đối với dịch vụ thu ngân sách; 70% tiền điện, 70% hóa đơn tiền nước được thanh toán qua ngân hàng; 100% trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo trong tỉnh chấp nhận thanh toán tiền học phí qua ngân hàng và 80% sinh viên tại các trường cao đẳng, các trung tâm đào tạo nộp học phí qua ngân hàng; 70% bệnh viện trong tỉnh có điểm POS; 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng. 

Để hiện thực hóa mục tiêu này thì cần một lộ trình và giải pháp quyết liệt nhằm giải quyết từng bước những khó khăn mà thực tế đang gặp phải. Trong đó, tỉnh đã giao các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng và ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán, chuyển tiền qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tạo niềm tin cho khách hàng. 

Ngoài ra, giải pháp quan trọng khác là nâng cao hiểu biết, thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bởi việc giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích mà thanh toán KDTM mang lại để người dân tự giác thay đổi hành vi sẽ chính là yếu tố tiên quyết thúc đẩy thanh toán điện tử, hướng tới một xã hội không tiền mặt. 

Thanh Chi