Bồi đắp giá trị đạo đức cho thanh niên thời hội nhập - Bài 2: Đa dạng hóa biện pháp giáo dục

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/11/2019 | 8:03:15 AM

YênBái - Gia đình, nhà trường và xã hội là ba chân kiềng trong giáo dục con trẻ. Dạy dỗ đạo đức cho con cái, đơn giản như việc chỉ bắt đầu bằng những bài học rất đơn sơ như: chào hỏi, thưa gửi… sẽ giúp trẻ ý thức được mỗi lời nói cũng như từng hành vi cử chỉ của mình, hình thành những thói quen tốt và đạo đức, lối sống của các em.

5 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tuyên dương trên 1.600 thanh niên tiêu biểu ở các lĩnh vực khác nhau. Trong ảnh: Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Tỉnh đoàn Yên Bái tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái.
5 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức tuyên dương trên 1.600 thanh niên tiêu biểu ở các lĩnh vực khác nhau. Trong ảnh: Đồng chí Triệu Tiến Thịnh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo Tỉnh đoàn Yên Bái tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái.


Trước thực trạng báo động về một bộ phận giới trẻ có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống thì việc giáo dục đạo đức cho học sinh là một vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thì rất cần sự kết hợp chặt chẽ, khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Tiếng nói của gia đình

Gia đình là xã hội thu nhỏ, là tế bào của xã hội. Nói như vậy để thấy được vai trò của gia đình trong xã hội ngày nay, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục đạo đức cho con cái. Các bậc phụ huynh cần có những biện pháp giáo dục phù hợp, coi trọng việc giáo dục đạo đức cho con trẻ từ khi còn thơ bé, quan tâm, nắm bắt được đời sống tâm lý của con cái, kết hợp mật thiết với nhà trường để việc giáo dục đạo đức cho con thật sự hiệu quả. 

Hiểu rõ được sự cấp thiết và cần thiết của việc này, gia đình chị Lương Thị Diệu Thúy ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái luôn chú trọng việc giáo dục, định hướng tính cách cho con cái từ khi còn nhỏ. 

Chị Thúy cho biết: "Tôi có hai cháu, một gái một trai. Con gái sinh năm 1995, hiện đã tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và đang làm cho một công ty nước ngoài tại Hà Nội với mức lương rất ổn định. Con trai đang là sinh viên năm hai Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Cả hai cháu đều có thành tích học tập tốt trong quá trình học phổ thông và đều là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái. Ngoài công việc hàng ngày ở cơ quan, tôi thường xuyên trò chuyện, trao đổi và theo dõi tình hình học tập của các con để kịp thời chia sẻ, động viên và đưa ra lời khuyên khi cần thiết. Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách của trẻ nên tôi nghĩ mình phải là người đầu tiên quan tâm đến việc giáo dục con cái, sau đó mới tới nhà trường và xã hội”.

Sự chung tay của nhà trường và xã hội

Trước thực trạng suy giảm về đạo đức, lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhung - Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Yên Bái luôn trăn trở và ý thức được vai trò trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh nhằm đạt mục tiêu giáo dục, đào tạo học sinh phát triển toàn diện. 

Cô Nhung cho biết: "Chúng tôi luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đội trong nhà trường, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục thông qua các các buổi sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử đất nước, văn hóa dân tộc. Các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm trong nhà trường cũng được duy trì thường xuyên, tạo sân chơi lành mạnh cho các em học sinh. Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử, các quy định về giao tiếp trong nhà trường, xây dựng môi trường học an toàn, lành mạnh, hướng tới ngôi trường hạnh phúc để mỗi ngày các em đến trường thực sự là một ngày vui và hạnh phúc”. 

Nhờ chú trọng làm tốt công tác giáo dục đạo đức, những năm qua, học sinh Trường THCS Nguyễn Du đã ngày một ngoan hơn, tự tin hơn. Nhiều năm liền nhà trường không xảy ra tình trạng bạo lực học đường. Tỷ lệ học sinh xếp loại đạo đức tốt đạt trên 80%. Từ đó, các em đã phát huy được năng lực, hình thành được những phẩm chất tốt đẹp của người học sinh, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ. 

Yên Bái hiện có khoảng 209 nghìn thanh niên, chiếm 25% dân số toàn tỉnh, đây là lực lượng đông đảo, có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Thời gian qua, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đoàn kết, tập hợp, giáo dục đoàn viên thanh niên. Công tác giáo dục truyền thống được triển khai hiệu quả, thể hiện nổi bật thông qua các hoạt động gắn liền với các sự kiện lịch sử, chính trị, văn hóa của đất nước, của tỉnh. 

Các hoạt động được tổ chức theo hướng phát huy truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, bồi đắp tinh thần tự hào dân tộc cho thanh thiếu nhi. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tuổi trẻ Yên Bái được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xác định là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong công tác giáo dục của Đoàn. 

5 năm qua, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức được trên 450 diễn đàn "Thanh niên làm theo lời Bác” với sự tham gia của trên 40 nghìn đoàn viên thanh niên; tổ chức 69 hoạt động tuyên dương trên 1.600 thanh niên tiêu biểu ở các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, trong thời gian qua, việc tổ chức các hành trình về nguồn, thăm các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ được các cấp bộ Đoàn chú trọng. 



Huyện đoàn Mù Cang Chải tổ chức kết nạp đoàn viên trên công trường khai hoang ruộng bậc thang Mù Cang Chải. 

Cùng với đó, việc duy trì các mô hình, câu lạc bộ, tổ, đội nhóm cũng là sân chơi bổ ích, thiết thực cho thanh niên. Tiêu biểu như: mô hình sinh hoạt tại các địa chỉ đỏ, các di tích lịch sử của chi bộ, chi đoàn cơ quan Tỉnh đoàn; mô hình Sổ nhật ký làm theo lời Bác; tổ dân phố, thôn, bản không có thanh niên nghiện ma túy; mô hình chi đoàn 4 không (không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3, không thách cưới cao); mô hình chi đoàn vững mạnh, chi đoàn kiểu mẫu; mô hình trường học xanh, ký túc xá sạch... 

Thông qua phong trào "Thanh niên xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” đã góp phần phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ bằng những phần việc, công trình thanh niên cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Trong 5 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thực hiện trên 10.200 công trình, phần việc thanh niên các cấp với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng. 

Các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ đã mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa, khát vọng vươn lên của tuổi trẻ. Nhiều đoàn viên thanh niên đã nhận thấy trách nhiệm đối với chính mình, gia đình và quê hương, tự thân phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện, trở thành những thanh niên gương mẫu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều đoàn viên thanh niên đã phát huy sức trẻ lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp tại địa phương. 

Tới nay, toàn tỉnh có trên 1.000 mô hình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực do thanh niên làm chủ. Đặc biệt, thực hiện Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy, tính đến hết tháng 10/2019, tuổi trẻ Yên Bái đã thành lập mới được 80 tổ hợp tác, 11 hợp tác xã và 11 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. 

Thực tế cho thấy, cùng với việc lãnh, chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự đổi mới trong nội dung và phương thức giáo dục của Đoàn theo hướng đơn giản, dễ hiểu, gần gũi, hấp dẫn đối với thanh niên thì cũng cần có các giải pháp căn cơ với sự quyết tâm, đồng lòng không chỉ của tổ chức Đoàn mà của cả gia đình, nhà trường, xã hội và tự thân mỗi đoàn viên thanh niên. 

Trước tiên về phía gia đình, cần xác định việc giáo dục đạo đức lối sống cho con trẻ là việc rất quan trọng và cần thiết. Truyền thống đạo đức của gia đình có ảnh hưởng sâu sắc và trực tiếp tới con cái. 

Chỉ khi gia đình coi trọng việc dạy dỗ đạo đức cho con cái, đơn giản như việc chỉ bắt đầu bằng những bài học rất đơn sơ như: chào hỏi, thưa gửi… sẽ giúp trẻ ý thức được mỗi lời nói cũng như từng hành vi cử chỉ của mình, hình thành những thói quen tốt và đạo đức sống của các em. 

Cùng với đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục lịch sử, ý thức công dân qua những giờ sinh hoạt ngoại khóa ở các trường phổ thông cho thanh, thiếu niên; phối hợp với cơ quan công an, tư pháp tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật, tuyên truyền, giáo dục về quyền và nghĩa vụ công dân, tôn trọng quy ước cộng đồng, tuân thủ nội quy, quy định của tổ chức. 

Có thể khẳng định rằng, việc định hướng giá trị là nhiệm vụ quan trọng trong công tác giáo dục thanh niên hiện nay và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Bằng những giải pháp cụ thể, căn cơ trong công tác đào tạo, bồi đắp giá trị đạo đức cho thanh niên đã góp phần xây dựng lớp thanh niên "vừa hồng”, "vừa chuyên”, khẳng định vai trò, bản lĩnh của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thu Trang