Thị xã Nghĩa Lộ nâng cao thu nhập từ xây dựng nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/12/2019 | 8:02:45 AM

YênBái - Nhờ tập trung nhiều nguồn lực xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, cả 3/3 xã của thị xã Nghĩa Lộ đã đạt chuẩn NTM.

Nhiều cây cầu mới được đầu tư ở Nghĩa Lộ giúp nhân dân đi lại thuận tiện.
Nhiều cây cầu mới được đầu tư ở Nghĩa Lộ giúp nhân dân đi lại thuận tiện.

Xác định XDNTM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị ở thị xã Nghĩa Lộ tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Nhiều cơ chế, chính sách được ban hành có tác dụng thiết thực, trở thành động lực thúc đẩy tiến độ thực hiện tại các địa phương như triển khai các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp; dự án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; các dự án thử nghiệm giống cây, con mới. 

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất hàng năm của tỉnh, đã hỗ trợ 3 xã trên 2,76 tỷ đồng để xây dựng 15 mô hình phát triển sản xuất. Đề án sản xuất của các xã đều xây dựng trên cơ sở xác định nhóm cây, con, ngành nghề lợi thế của địa phương. Nhiều xã tập trung chỉ đạo thực hiện đề án trên đồng ruộng, tổ chức thực hiện thiết kế lại hệ thống giao thông, thủy lợi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. 

Theo UBND thị xã, các mô hình phát triển sản xuất đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, cách thức tổ chức sản xuất của nông dân từ sản xuất quảng canh sang sản xuất hàng hóa, nên đã tạo sự chủ động, tích cực trong thời vụ, cơ cấu giống, phòng trừ sâu bệnh. Vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, đạt tỷ lệ 75% diện tích đất 2 vụ lúa trở lên. Một số sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, bước đầu mang tính đặc trưng của vùng như: gạo Séng cù, Hương chiêm, ngô nếp tím, cà chua, nấm rơm...  

Bên cạnh đó, thị xã Nghĩa Lộ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, lao động trong khu vực nông nghiệp nông thôn. Đến nay, tại 3 xã đã có 140 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 185 lao động, so với năm 2010 tăng 54 cơ sở, 60 lao động. Một số cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ tiên tiến như: cơ sở sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Hoàng Phát; cơ sở sản xuất gạch không nung của ông Chu Văn Phát; cơ sở sản xuất chế biến gỗ rừng trồng của ông Chu Văn Hậu, xã Nghĩa An... 

Hàng năm, thị xã tập trung nguồn lực thực hiện lồng ghép các nguồn vốn như: vốn Chương trình 135, Chương trình hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ người có công với cách mạng; vốn chương trình khuyến công; vốn sự nghiệp khoa học… để hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân như mô hình sản xuất lúa hàng hóa hàng năm duy trì bình quân 500 ha/vụ; mô hình trồng hoa trong nhà lưới, trồng cà chua, súp lơ xanh vụ đông, trồng ngô nếp tím, ngô HN88, trồng nấm sò, nấm rơm trái vụ, nuôi chim bồ câu Pháp, nuôi trâu cái sinh sản..

Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh ở các xã XDNTM và 3 xã hiện có 126 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, trong dịch vụ đã có thêm ngành nghề mới so với các vùng trong tỉnh như du lịch cộng đồng, ẩm thực dân tộc. Đến nay, 3 xã NTM của thị xã có 25 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng và ẩm thực dân tộc, góp phần nâng cao thu nhập bình quân cho người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn trong 3 xã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. 

Để nâng cao các tiêu chí NTM, thời gian tới thị xã tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết trong sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục củng cố, kiện toàn các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; khuyến khích thành lập các tổ hợp tác; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn; ưu tiên phát triển làng nghề, nghề phụ trong nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nông dân. 

Anh Dũng