Mái lá thân thương

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/12/2019 | 7:56:36 AM

YênBái - Ai cũng có quê hương để thương, để nhớ, ai cũng có mái nhà che nắng, che mưa. Với tôi, căn nhà sàn mái cọ qua nhiều thế hệ luôn cất giữ những vui buồn, yêu thương, hờn giận, vời vợi những kỷ niệm ấm áp, ngọt ngào.

Mái lá thân thương, khi tôi chập chững bước qua chín bậc cầu thang thì đến gian hiên, nơi đó để cái cối xay đá. Mỗi sáng, chiều, cái cối đá được bà hoặc mẹ xoay tít, để những hạt ngô vỡ tứ tán, bà quãi cho đàn gà lông mượt, mẹ nấu cám lợn, nồi cám sôi lục bục, thơm thơm, mấy con lợn ngửi thấy mùi nghếch mõm lên chuồng đòi ăn eng éc. Trong nhà, cạnh cửa sổ gian chính, bố để cái điếu cày đựng trong ống bương sáng bóng. Khách của cha lên nhà, bên ấm chè nóng, giữa câu chuyện là tiếng rít thuốc lào, phả khói bay vấn vít. 

Cạnh gian giữa, bà để cơi trầu, bình vôi với chùm cau nho nhỏ. Mùi trầu bà ấm nồng như bếp lửa mùa đông. Chúng tôi thường giúp bà bổ cau, ngoáy trầu, cái cối trầu bằng đồng vàng bóng, rồi nghe bà kể chuyện ngày xưa, có câu chuyện nghe đi nghe lại vẫn đòi bà kể. Tiếng dây võng mắc từ xà nhà kẽo kẹt, kẽo kẹt cùng tiếng ru của bà êm như suối trong. 

Mái lá thân thương, ở đó, tuổi thơ tôi trôi đi êm đềm trong trẻo dù đang chiến tranh. Đêm đêm, ánh đèn dầu tù mù chỉ sáng hơn đom đóm. 

Tiếng hàng xóm hô gọi: "Có máy bay!”, nhà nhà tắt phụt đèn, tối om, lắng nghe tiếng phản lực bay đi thật xa, ánh đèn lại được thắp lên, lại tiếng bi bô của trẻ con đánh vần, tập hát. Cuối năm học, xà nhà lại treo thêm giấy khen tươi rói. 

Mỗi sớm mai, ngó ra ngoài cửa sổ, đã thấy mấy đứa bạn vai đeo túi sách, đầu đội lá ngụy trang, í ới gọi nhau đi học. Mẹ ủ ấm nồi cơm rồi đi làm từ lúc nào, còn lại làn khói bếp vương trên mái cọ. 

Dưới nhà, có cái đu bằng vỏ cây bo ngâm nước, hễ tôi có bạn đến là cái đu bận đưa đi đưa lại làm lũ thạch sùng ngóc đầu nhìn rồi chui tọt vào lỗ cột. Chúng tôi chơi yến, cái yến lông gà bay ngang, bay dọc thủng cả tổ nhện. 

Mái lá thân thương, những ngày mưa, mẹ ngồi đan thát, vò lúa cum, đâm xay dần sàng; bà ngồi khâu vá; chúng tôi chơi trốn tìm, anh khôn hơn, lén mặc áo của mẹ, đội khăn ngồi khâu cạnh bà, chúng tôi tìm quanh mà không nhận ra, cuối cùng đứa em phát hiện sao có hai bà ngồi khâu. 

Mẹ đi làm về, ngày nắng, vài chiếc quạt nan, quạt cọ được chúng tôi thi nhau làm gió, mẹ khen gió hướng nào mát thế. Trong nhà, bếp lửa hồng quanh năm ấm cúng, ấm như trong nhà có ông bà, cha mẹ. 

Khói bếp bay lên nâu bóng cột, kèo, dui, mè càng làm mái nhà thêm bền, thêm chắc. Nhà có miếng ăn ngon, có con gà béo, em tôi thường được giao nhiệm vụ đi mời ông bác sang ăn cơm. Ông vờ không thấy đường, rẽ ngang, rẽ dọc, để đứa cháu vác cả cánh tay gầy lên vai dắt vào tận mâm, được lời khen nó hả hê cười tít mắt.

Mái lá thân thương, tháng năm đi qua, lá cọ gân xơ xác lại được thay bằng những lá cọ mới như mặt trời xanh được xẻ ra, xếp lên nhau hàng hàng, lớp lớp. Lá cọ mới gặp nắng to lách tách cười như vỏ đỗ tách hạt, gặp mưa lại nghe lòa xòa, loẹt xoẹt. Dưới mái nhà, đêm đêm ì ầm vọng về tiếng bom nổ; có tiếng thở dài lo lắng của bà, của mẹ, lo người ngoài mặt trận, lo việc nhà, việc nước, lo con cái học hành, ốm đau, lo mất mùa…; có tiếng gọi trâu ú ớ của đứa em nằm mơ; có tiếng mèo bắt chuột trên mái nhà; có tiếng mẹ mắng vì tội ngủ nướng…

Mái lá thân thương, chúng tôi lớn lên, rời xa như rễ cây vươn dài, mỗi dịp lễ Tết lại về xum họp cùng ôn lại những kỷ niệm ngọt ngào thời thơ trẻ, ở đó là quê hương, là kho báu. 

 Hoàng Thị Na (Thôn Cà Lồ, Xuân Lai, Yên Bình)