Yên Bái đẩy mạnh giải pháp thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/1/2020 | 7:53:58 AM

YênBái - Việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng; việc thanh toán lệ phí, nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ và có thể thực hiện trên môi trường mạng, giúp giảm chí phí và thời gian cho tổ chức, cá nhân.

Đa số người dân Yên Bái vẫn đến nơi cung cấp dịch vụ để thực hiện thủ tục hành chính.
Đa số người dân Yên Bái vẫn đến nơi cung cấp dịch vụ để thực hiện thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại hai mức độ này còn góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, tạo mọi thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, giúp cơ quan Nhà nước trên địa bàn giảm tải được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện, khoa học hơn. 

Lợi ích từ dịch vụ công trực tuyến đem lại cho xã hội là rất lớn, tuy nhiên trên thực tế, đa số người dân, tổ chức vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), điều này dẫn đến lãng phí xã hội. 

Cụ thể, trong khoảng gần 300.000 hồ sơ TTHC của tỉnh được giải quyết trong năm 2019, tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3 mới đạt 0,185%, mức độ 4 là 0,188% trên tổng hồ sơ tiếp nhận. Điển hình như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với 89 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, trong đó có 2 TTHC dịch vụ công mức độ 4 gồm: cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề thú y thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh và cấp lại chứng chỉ hành nghề thú y.  

Tuy nhiên, trong 11 tháng của năm 2019, tỷ lệ TTHC dịch vụ công mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ của ngành đạt 50%; không có hồ sơ TTHC được xử lý mức độ 3, 4 mà chủ yếu hồ sơ được nộp trực tiếp. Huyện Văn Yên, cấp huyện có  30 TTHC mức độ 3 và  6 TTHC mức độ 4; cấp xã có 5 TTHC mức độ 3. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện không phát sinh hồ sơ TTHC nào. 

Còn tại thành phố Yên Bái, có 28 TTHC thực hiện mức độ 3, 4; cấp xã, phường có 4 TTHC mức độ 3. Đến nay, thành phố Yên Bái đã triển khai TTHC mức độ 3, 4 lĩnh vực tài chính - kế hoạch; giáo dục - đào tạo (mức độ 3), tuy nhiên, số hồ sơ phát sinh trên mạng rất ít. 

Nguyên nhân dịch vụ trực tuyến mức độ 3, 4 chưa phát huy hiệu quả theo đánh giá do: công tác tuyên truyền của chúng ta còn hạn chế; hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu của người dân còn thiếu; đặc biệt chúng ta có ít "công dân điện tử”. 

Do thói quen cũng như trình độ tin học hạn chế, nên nhiều người dân còn e ngại, có tâm lý không yên tâm sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, qua ý kiến của nhiều người dân, các biểu mẫu kê khai còn nhiều phức tạp, nhiều người không tự kê khai được, hoặc tự kê khai thường sai lệch thông tin nên hầu hết vẫn lựa chọn trực tiếp đến cơ quan công quyền để nộp TTHC. Chi phí thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích là 25.000 đồng/ lần vận chuyển, địa bàn nhiều nơi nhất là thành phố thuận tiện giao dịch, do đó người dân thường đi trực tiếp nhằm "yên tâm về tư tưởng” và giảm chi phí.

Thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc thực hiện dịch vụ công mức độ 3,4 là tất yếu, cần được đẩy mạnh thực hiện. 

Để phát huy hiệu quả dịch vụ công nhất mức độ 3 và mức độ 4, cần thực hiện tốt Kế hoạch số 170 ngày 24/12/2015 của  UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36a ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Do đó, bên cạnh tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, các phương tiện phục vụ dịch vụ mạng tại cơ sở, nhất là cấp xã, thậm chí là cấp thôn, cần phải có thêm nhiều "công dân điện tử”. 

Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích dịch vụ công, trong đó, chú trọng đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên để tăng số lượng "công dân điện tử”. Cùng với đó, có hình thức đào tạo để nâng cao trình độ tin học cho người dân, cần có những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa để người dân tiếp cận với công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến công, cụ thể như việc đăng ký thư điện tử của mỗi công dân. 

Trên thực tế, cản trở lớn nhất khi xây dựng "công dân điện tử” là thói quen của người dân, do đó, bên cạnh việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, các địa phương, đơn vị cần bố trí nhân lực, thực hiện nhiệm vụ quảng bá, hướng dẫn khi người dân có nhu cầu làm TTHC... 

Điều đáng mừng là Yên Bái đang đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ thông tin và xây dựng đô thị thông minh, điều này chắc chắn sẽ tạo bước thay đổi lớn trong tư duy, nhận thức của người dân khi thực hiện giao dịch TTHC. 

Đình Tứ