Người truyền cảm hứng cho môn Lịch sử

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/1/2020 | 8:15:53 AM

YênBái - Những tưởng môn Lịch sử là bộ môn khô khan, khó học, song với phương pháp giảng dạy sáng tạo của cô giáo Bùi Thị Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Trung học cơ sở (PTDTNT THCS) huyện Trạm Tấu, bộ môn này đã được các học sinh hào hứng đón nhận và giành được nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Cô giáo Bùi Thị Trang bổ sung kiến thức Lịch sử cho học sinh trong giờ ra chơi.
Cô giáo Bùi Thị Trang bổ sung kiến thức Lịch sử cho học sinh trong giờ ra chơi.

Cô Trang không chỉ truyền cảm hứng cho môn Lịch sử bằng lương tâm đạo đức nghề nghiệp mà còn là một trong những cá nhân được huyện Trạm Tấu chọn xây dựng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2020.

Gặp cô giáo Bùi Thị Trang đúng dịp thầy trò nhà trường đang tổ chức ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ I, năm học 2019 - 2020, dù khá bận nhưng ở cô vẫn luôn thường trực nụ cười ấm áp, phong cách giản dị, thân thiện khiến tôi càng có thêm động lực để tìm hiểu về người được mệnh danh là "thổi hồn” cho môn Lịch sử. 

Tự hào có một đồng nghiệp tâm huyết, giỏi chuyên môn, cô giáo Hà Thị Thanh Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS huyện Trạm Tấu cho biết: "Cô giáo Trang có phong cách giảng dạy khá đặc biệt so với các giáo viên khác, rất gần gũi, thông dụng mà vẫn truyền tải được đầy đủ nội dung của bài giảng. Là Phó hiệu trưởng, song cô Trang luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nên học sinh rất thích thú, say sưa, tiếp thu bài nhanh. Những năm gần đây, cô Trang liên tục có nhiều học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp huyện”. 

16 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao, cô Trang có tới 13 năm công tác tại Trường PTDTNT THCS huyện. Môi trường nội trú đòi hỏi thầy, cô ngoài giờ học trên lớp còn phải thường xuyên quan tâm đến các em trong suốt thời gian sinh hoạt tại trường. Với cô Trang, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu nghề, lòng mến trẻ. Ngay cả khi 2 con còn nhỏ, cô luôn chủ động sắp xếp việc nhà để dành thời gian lo trọn cho công việc ở trường. 

Cô Trang chia sẻ: "Tôi nghĩ, bất kỳ một công việc gì cũng cần có lương tâm nghề nghiệp. Đối với nghề giáo viên thì điều đó càng quan trọng hơn. Ngoài truyền tải kiến thức, mình phải có tình yêu với học trò, với môn học thì mới làm tốt được”. 

Đối với môn Lịch sử, có một số ý kiến cho rằng, học bộ môn này khá vất vả vì rất khó nhớ các mốc thời gian. Tuy nhiên, với sự sáng tạo trong công tác giảng dạy của cô Trang, môn Lịch sử đã được học sinh trong trường rất yêu thích. 

Em Giàng Thị Chang - học sinh lớp 9A chia sẻ: "Mỗi khi cô Trang lên lớp, em luôn cảm thấy yêu môn học hơn, hiểu bài hơn. Dù chúng em là người dân tộc thiểu số có những nội dung khó hiểu nhưng cô vẫn luôn cố gắng bằng mọi cách để giảng giải cho chúng em hiểu bài một cách tốt nhất. Mỗi giờ học của cô, em cảm thấy mình như được bước vào thế giới của lịch sử”. 

Trong mỗi bài giảng của mình, cô Trang thường dùng tổng hợp nhiều phương pháp khác nhau để truyền đạt cho học sinh. Trong đó, cô thường ưu tiên cách tiếp cận bài giảng gần gũi nhất, dễ hiểu nhất để truyền đạt cho các em, gắn nội dung bài giảng với những câu chuyện có liên quan để thu hút sự chú ý của học sinh, đồng thời lồng ghép với những câu chuyện như: truyền thuyết, thần thoại có nội dung gần như bài giảng để học sinh không còn cảm giác khô khan mà đến với giờ học Lịch sử các em còn được nghe thêm các thông tin bổ ích khác. 

Chẳng hạn, khi giảng về sự kiện Pháp xâm lược Việt Nam ngày 1/8/1858, cô Trang liền hỏi các em có sự kiện gì liên quan đến ngày 1/8 không như: sinh nhật mẹ, sinh nhật bản thân, sinh nhật người thân hay là ngày chuẩn bị nhập trường…từ đó, học sinh sẽ thấy gần gũi và dễ nhớ hơn.

Nhờ những bài giảng như thế, cô Trang đã truyền được cho học sinh trong trường niềm đam mê, tìm tòi lịch sử nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung, giúp các em không chỉ có kiến thức sâu sắc về môn học mà còn khơi dậy niềm tự hào về lịch sử nước nhà. 

Em Đào Hà My - học sinh lớp 7 chia sẻ: "Trước đây, mỗi khi học Lịch sử, em không thấy hứng thú vì nhiều kiến thức phải học thuộc, phải ghi nhớ nên cảm thấy nhàm chán. Nhưng trong giờ học của cô Trang, em thấy rất hào hứng, bởi những tiết dạy của cô thường có những ví dụ gần gũi, dễ hình dung được nội dung mà không phụ thuộc nhiều vào sách vở. Bên cạnh đó, cô còn lấy thêm nhiều ví dụ thực tiễn cuộc sống thường ngày để chúng em nhớ được từng sự kiện nên bây giờ em thấy rất thích thú với bộ môn này và tự hào về lịch sử của nước mình”. 

Yêu nghề, mến trẻ, luôn tìm tòi, sáng tạo trong công tác giảng dạy đã giúp cô Trang thu hái được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người của mình. 13 năm giảng dạy dưới mái trường nội trú hầu như năm nào cô Trang cũng có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có năm có tới 5 em đạt giải cấp tỉnh. 

Cá nhân cô Trang năm nào cũng đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Ghi nhận sự đóng góp của cô với sự nghiệp giáo dục vùng cao, năm 2013, cô được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 3 năm liên tục 2015, 2016, 2017 được UBND tỉnh tặng bằng khen cùng nhiều danh hiệu thi đua do ngành Giáo dục và UBND huyện Trạm Tấu trao tặng.

16 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, con thuyền tri thức của cô Trang đã chở lớp lớp học sinh đi đến bến bờ trí tuệ, trong số họ cũng có người trở thành giáo viên đứng trên bục giảng, viết thêm truyền thống cao quý của nghề giáo viên nhân dân, góp phần đắc lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này. 

Ngọc Sơn