Để “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/1/2020 | 8:08:14 AM

YênBái - Thực hiện lời dạy của Bác “Mùa xuân là tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, những năm qua cùng với địa phương trong cả nước nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sống. Nhiều địa phương đã lồng ghép phong trào tết trồng cây với việc trồng rừng và bảo vệ rừng.

Nhận thức của nhân dân về lợi ích từ rừng được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, đầu xuân Kỷ Hợi 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát động phong trào Tết trồng cây tại Yên Bái. Phong trào trồng cây, trồng rừng đã lan tỏa sâu rộng đến các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Năm 2019 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của bà con nông dân và các thành phần kinh tế, toàn tỉnh trồng mới được hơn 16.339 ha, đạt 102,1% kế hoạch, nâng tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%; khai thác trên nửa triệu mét khối gỗ rừng trồng phục vụ công nghiệp chế biến. 

Đến nay, Yên Bái đã trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu của vùng và cả nước về trồng rừng sản xuất. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 1.898 tỷ đồng. Kinh tế rừng góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn hộ dân từ vùng thấp đến vùng cao. 

Tuy nhiên, có thể nhận thấy ở một số địa phương công tác tuyên truyền về trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng chưa được chú trọng. Nhiều địa phương thực hiện trồng cây nhưng chưa quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ, chưa lồng ghép phong trào Tết trồng cây với nhiệm vụ trồng rừng và bảo vệ rừng; vẫn còn để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, nguy cơ cháy rừng vẫn còn tiềm ẩn. 

Để "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và công tác phát triển rừng năm 2020 thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, chính quyền địa phương, các ban, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, các ngành và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Các địa phương, đơn vị cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện chặt chẽ, từng đơn vị cơ sở có phương án chi tiết về địa điểm, loài cây trồng, diện tích, số lượng cây trồng. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng cường quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp, lựa chọn loài cây trồng phù hợp, chuẩn bị cây giống chất lượng tốt và tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom; tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng đảm bảo đạt tỷ lệ cây sống cao; nhân rộng mô hình trồng rừng gỗ lớn góp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. 

Để đảm bảo "trồng cây nào, tốt cây ấy” cần thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phân công trách nhiệm quản lý cụ thể để cây trồng, rừng trồng phát triển tốt. Sau khi thực hiện "Tết trồng cây”, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt. Phát động thực hiện các phong trào thi đua, lập nhiều thành tích trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.

Văn Thông