Nậm Có - Nơi đất núi chuyển mình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/1/2020 | 10:11:29 AM

YênBái - Đất núi Nậm Có (Mù Cang Chải) đang chuyển mình từ sự đổi thay trong nhận thức, sự cần cù, năng động của người dân trong phát triển kinh tế gia đình.

Đã qua cái thời người Mông ở Nậm Có (Mù Cang Chải) chỉ lo làm đủ bát cơm ăn. Kinh tế hàng hóa phát triển, việc giao thương buôn bán thuận lợi với các địa phương trong và ngoài vùng đã mang đến cho người dân ở đây những suy nghĩ mới, cách làm mới trong phát triển kinh tế. Ở Tu San hay Lùng Cúng - những bản người Mông khó khăn nhất nhì của xã đã xuất hiện những mô hình kinh tế của nông dân cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm...

Có thể coi Lùng Cúng là thủ phủ của cây táo mèo ở đất Mù Cang Chải, không chỉ bởi diện tích táo tập trung ở bản này nhiều, với trên 100 ha, mà vùng táo ở Lùng Cúng còn là nơi cho sản lượng cao và thơm ngon có tiếng. Đây là bản khó khăn nhất của xã Nậm Có. Phương tiện lên bản ngoài xe máy ngày nắng ráo, còn thì là đi bộ. Lùng Cúng chưa có điện thắp sáng, cũng chưa có sóng điện thoại nên thông tin tới bản chủ yếu là truyền miệng. 

Phó Chủ tịch xã Hờ A Chỉnh là cán bộ nhiều năm được Đảng bộ xã phân công phụ trách bản Lùng Cúng chia sẻ: "Lên bản ban ngày muốn gặp được bà con thì phải nhờ người báo trước vài hôm, vì họ đi làm nương làm ruộng xa nhà. Ở xã có việc muốn triển khai đều phải tổ chức họp dân vào buổi tối. Vì đặc thù bản rộng, dân không tập trung nên việc họp ở Lùng Cúng cũng chẳng giống thôn, bản nào trong huyện. Cán bộ thôn thông báo họp 8 giờ tối nhưng có khi 10 giờ đêm bà con mới lác đác đến. Bà con đến đông đủ lúc nào họp thôn lúc đó. Dân đến muộn thì được nhưng cán bộ nhất thiết phải đúng giờ. Có buổi họp xong thì trời sáng…”. 

Bản Lùng Cúng bây giờ được sáp nhập thêm bản Phình Ngài và vẫn tách biệt với "cuộc sống số”, bởi chưa có điện thắp sáng, chưa có sóng điện thoại nhưng đồng bào Mông ở đây đã tiến bộ nhiều, nhất là trong cách thức làm ăn, phát triển kinh tế. Khó khăn nhất xã nhưng đây cũng là bản khá nhất xã về phát triển kinh tế. Bí thư Chi bộ bản Lùng Cúng Cháng A Dờ là người nói đi đôi với làm. 

Anh bảo: "Bà con tin tưởng cán bộ thì cán bộ phải là người làm gương”. Chẳng thế mà gia đình Bí thư Dờ cũng là một trong những hộ có kinh tế khá ở Lùng Cúng. Biết giá trị của cây táo, anh vận động bà con trồng táo kết hợp trồng, bảo vệ rừng để duy trì ổn định diện tích, sản lượng cây thảo quả. Hiện gia đình anh đã trồng được gần 3 ha táo, cộng thêm các nguồn thu khác đạt trên 100 triệu đồng/năm. 

Bí thư Dờ chia sẻ: "Khó khăn nhất ở Lùng Cúng bây giờ là đường giao thông và điện thắp sáng, còn kinh tế ở đây đang dần khá lên nhờ có nhiều nguồn thu từ rừng. Tư duy làm kinh tế của bà con không còn lạc hậu như trước. Cả bản có trên 200 hộ, hầu như nhà nào cũng biết làm kinh tế rừng, trồng táo, trồng thảo quả, phát triển chăn nuôi đại gia súc. Vẫn còn nhiều hộ nghèo nhưng bản đã có những hộ có thu nhập cao nhất xã như hộ Chang Chờ Nủ, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng, mua được ô tô tải, máy xúc làm dịch vụ…”.  

Đất núi đang chuyển mình từ sự đổi thay trong nhận thức, sự cần cù, năng động của người dân trong phát triển kinh tế gia đình. Nói về sự đổi thay của bản Tu San - Trưởng thôn Chang A Phềnh phấn khởi lắm. 

Anh bộc bạch: "Thôn mình trước đây có nhiều hộ thiếu đói quanh năm nhưng bây giờ hộ đủ ăn đủ mặc nhiều rồi, chỉ còn vài hộ thiếu ăn đứt bữa. Nguồn thu nhập chính ở đây chủ yếu từ thảo quả, trồng đặc sản nếp Tan và nguồn phí trông coi bảo vệ rừng được Nhà nước chi trả hàng năm”. 

Tu San có trên 200 hộ, 100% là đồng bào Mông. Diện tích thảo quả ổn định khoảng trên 100 ha, cả bản mỗi vụ thu trung bình khoảng 20 tấn quả khô, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng. Cây thảo quả đã có ở Tu San 20 năm. Hờ A Nhà, Cứ Páo Sùng và Chang Páo Lồng là 3 hộ đầu tiên của bản đưa cây thảo quả về trồng ở rừng Tu San. Đây cũng là những hộ có thu nhập cao, trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm từ cây dược liệu này. 

Anh Hờ A Nhà cho biết: "Bây giờ hầu như nhà nào ở bản cũng trồng thảo quả, chỉ là diện tích ít hay nhiều. Muốn trồng được thảo quả thì phải giữ được rừng. Không có rừng, cây thảo quả chỉ cho hoa mà không cho quả”.  

Nhà trưởng bản Tu San thu nhập chính cũng từ thảo quả và trồng nếp Tan mà có. Ngoài nguồn thu thảo quả vài chục triệu/năm, mỗi năm gia đình anh còn có nguồn thu ổn định từ diện tích trồng nếp Tan với sản lượng gần 1 tấn. Theo anh Phềnh, việc tiêu thụ giống nếp đặc sản này rất thuận lợi, giá trị kinh tế cao. Hơn thế, lại ít rủi ro, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết như trồng cây thảo quả. Hiện ở Tu San đã có nhiều hộ thu hoạch mỗi năm trên 1 tấn nếp, thu gần 100 triệu đồng, như hộ anh Thào A Mua, Thào A Phềnh… 

Đi cùng những mùa no ấm, với những thành quả bước đầu trong công tác xóa nghèo bền vững khi tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn dưới 56%, thêm quyết tâm để đồng bào Mông, đồng bào Thái ở Nậm Có vững tin theo Đảng, tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền xây đời ấm no…

Minh Thúy