Báo Yên Bái số 5.000 - niềm tin tiếp bước

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/1/2020 | 10:17:34 AM

YênBái - Đón xuân Canh Tý 2020, chào thập niên mới vào dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam rạng rỡ hào tráng, cũng là lúc ấn phẩm báo Yên Bái in thường kỳ của Báo Yên Bái - tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Yên Bái” xuất bản số 5.000 - số báo Xuân Canh Tý 2020, đánh dấu chặng đường gần 58 năm Báo Yên Bái xây dựng và phát triển đi lên cùng quê hương, đất nước!

Ấn phẩm báo Yên Bái thời sự của Báo Yên Bái.
Ấn phẩm báo Yên Bái thời sự của Báo Yên Bái.

Lớp lớp các thế hệ làm báo Yên Bái mãi không quên dấu mốc đầu tiên ngày 5/11/1962, thực hiện Chỉ thị của Trung ương cho ra báo địa phương, Báo Yên Bái cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Yên Bái xuất bản số đầu tiên. Suốt chặng đường lịch sử gần 58 năm qua, Báo Yên Bái sáp nhập, rồi tái lập, trong thời chiến cũng như thời bình luôn ghi sâu lời Bác "Nhà báo cũng là chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ", tiếp bước truyền thống, tự hào viết nên trang sử mới! 

Trong hành trình ấy, Báo Yên Bái đã có nhà báo liệt sĩ  anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Những người làm Báo Yên Bái hôm nay luôn ghi tạc, không quên những đóng góp lớn lao của các thế hệ cha anh cầm bút đi trước, cống hiến cho sự nghiệp báo chí cả nước nói chung và Báo Yên Bái nói riêng. 

Những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thị xã Yên Bái bị tàn phá, phóng viên Báo Yên Bái vượt lên gian khó, đi bộ nhiều ngày đường để lấy tài liệu viết bài phản ánh cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của quân dân Yên Bái. Báo tuyên truyền mạnh mẽ khí thế quả cảm kiên cường của quân và dân Yên Bái vừa đánh giặc, vừa hăng say sản xuất phục vụ tiền tuyến; vận động nhân dân di dời, nhường đất xây dựng thủy điện Thác Bà; cổ động toàn dân đánh giặc cứu nước, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu... Nhiều địa phương, cá nhân điển hình vừa chiến đấu vừa sản xuất được tuyên truyền liên tục trên các kỳ báo. 

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 3/1/1976, tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ và Báo Hoàng Liên Sơn thành nơi hội tụ của người làm báo 3 tỉnh. Một lần nữa, tất cả phóng viên, biên tập viên lại trở thành phóng viên mặt trận biên giới phía Bắc. 

Hàng chục nhà báo có mặt trong các chiến hào, cùng bộ đội, dân quân ở các chốt điểm quan trọng ở Mường Khương, Sa Pa, Lào Cai... ghi lại những hình ảnh chiến đấu quả cảm của quân và dân ta. Lịch sử báo chí địa phương mãi ghi lại những tác phẩm báo chí xuất sắc như: "Hồ Kiều làm chứng”, "Mường Khương đối mặt với kẻ thù”, "Tả Phìn cửa ngõ biên cương”, "Ô Quy Hồ - mồ chôn quân xâm lược”... 

Chiến tranh biên giới sắp nổ ra, nhà báo Bùi Nguyên Khiết đã có mặt ở Mường Khương, nơi nóng bỏng nhất. Sáng ngày 17/2, khi địch tấn công, anh đã có mặt ở chốt Tả Ngải Chồ trực tiếp cầm súng chiến đấu và anh dũng hy sinh ngay tại chiến hào. 

Suốt 10 năm gian khổ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lịch sử báo chí ghi nhận những đóng góp xứng đáng của nhiều nhà báo ở Báo Hoàng Liên Sơn. Có 5 nhà báo xứng đáng nhận giải thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam với các tác phẩm viết về cuộc chiến tranh biên giới, nhà báo Bùi Nguyên Khiết được công nhận là liệt sĩ với hình ảnh quả cảm của nhà báo chiến sĩ.

Chiến tranh kết thúc, cuộc chiến chống đói nghèo và lạc hậu cũng gian nan không kém. Bước vào chuyển đổi cơ chế, xóa bỏ bao cấp, báo chí tấn công vào sự bảo thủ, trì trệ của cơ chế cũ vốn đang là trở lực lớn trên con đường xây dựng và phát triển. Báo Hoàng Liên Sơn vẫn giương cao ngọn cờ tư tưởng của Đảng, tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện, biểu dương nhân tố, điển hình mới trong sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải; phản ánh trung thực tình hình mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. 

Dù thiếu thốn và gian khổ, vừa viết báo, vừa đi phát nương, tra lúa, trồng ngô tự túc một phần lương thực nhưng báo vẫn ra đúng kỳ, đủ số. Báo Hoàng Liên Sơn đã để lại những tác phẩm có tính phát hiện  như: "Khoán sản phẩm ở Báo Đáp", "Những vấn đề nảy sinh trong khoán sản phẩm ở Văn Chấn", "Mô hình kinh tế trang trại của ông Trương Cơ" (Yên Bình)... Nhiều bài chính luận sắc bén, bài viết có tính phát hiện của các nhà báo làm cho từ báo lôi cuốn người đọc. 

Ngày 1/10/1991, tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức được tách ra thành hai tỉnh Yên Bái, Lào Cai và cũng là ngày Báo Yên Bái tái lập.  Phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, Báo Yên Bái tiếp thu công nghệ hiện đại, đổi mới nội dung và hình thức tờ báo. Ban Biên tập tập trung chỉ đạo đổi mới nội dung, bên cạnh bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, nắm bắt nhanh các sự kiện thời sự chính trị, định hướng các giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. 

Báo khuyến khích tính phát hiện, đưa ra những vấn đề mới có tính gợi mở, định hướng, góp phần hình thành nên chủ trương, quyết định mới của tỉnh về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Phóng viên Báo Yên Bái có mặt trên khắp mọi vùng miền trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao phản ánh những đổi thay, dũng cảm chống các hủ tục lạc hậu, buôn lậu, phá rừng, phòng chống bão lũ... 

Bước đột phá của Báo Yên Bái, cùng với ấn phẩm báo Yên Bái Vùng cao song ngữ Việt Mông, ngày 6/12/2004 đã xây dựng thành công trang thông tin điện tử của Báo Yên Bái, và giờ đây là báo Yên Bái điện tử thường xuyên đổi mới hòa nhập với xu hướng phát triển của báo chí hiện đại. Báo thường xuyên nâng cao chất lượng thông qua các cuộc thi ảnh, thi viết hàng năm. Các thể loại quan trọng như: phóng sự, điều tra, ký, ghi chép... sát với thực tế cuộc sống được đề cao làm cho tờ báo sinh động, hấp dẫn, nâng cao tính chiến đấu và hướng luận xã hội. 

Báo Yên Bái một trong số ít tờ báo địa phương sớm tổ chức thành công công nghệ làm báo hiện đại trong toàn hệ thống cơ quan, từng bước trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện hướng tới xây dựng tòa soạn hội tụ. 

Công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tác phẩm, thông tin nhanh nhạy, kịp thời hơn, hình thức trình bày hấp dẫn hơn. Truyền hình Internet trên trang thông tin điện tử, nay là báo điện tử của Báo Yên Bái khai trương ngày 17/6/2006, là phương tiện truyền thông đầu tiên chuyển tải hình ảnh và âm thanh sống động mọi hoạt động của tỉnh Yên Bái ra toàn cầu đang được đổi mới nâng cao chất lượng. 

Những đóng góp ấy của Báo Yên Bái được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2002, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2007. Hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, cờ, bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh…

Báo Yên Bái đón chào xuân mới, thập niên mới với bao niềm tin và hi vọng. Những thành quả mà các thế hệ nhà báo Báo Yên Bái cống hiến kể từ ngày xuất bản số báo đầu tiên đến số báo 5000 chào Xuân Canh Tý đang tạo động lực, niềm tin sức mạnh tiếp bước cho thế hệ làm báo hôm nay vượt lên thách thức, đưa Báo Yên Bái - cơ quan truyền thông đa phương tiện ngày một phát triển, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. 

Bùi Minh Đức - Phó Tổng biên tập Báo Yên Bái