Đường tới mùa xuân

  • Cập nhật: Thứ bảy, 25/1/2020 | 11:27:25 AM

YênBái - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đầu xuân Kỷ Hợi về với Yên Bái dự lễ phát động trồng cây đã thổ lộ: "Tôi đã đến Yên Bái nhiều lần, từ hồi còn làm ở Tạp chí Cộng Sản, mỗi lần lên thấy mỗi khác, nay đã hình thành khu trung tâm nối với đường cao tốc, khác xưa nhiều lắm!”. Mỗi mùa xuân qua, quê hương lại thay áo mới.

Phố huyện Văn Yên ngày giáp tết.  Ảnh MQ
Phố huyện Văn Yên ngày giáp tết. Ảnh MQ

Vậy là, xuân đã sang. Gió vẫn thổi, mưa vẫn bay, nắng vẫn chan hòa, vũ trụ vẫn tuần hoàn nối những ngày đêm để đưa ta đến với mùa xuân mới.

Ta như lạ như quen ngay giữa chính quê mình! Yên Bái đó ư? Một vùng đất hẻo lánh heo hút núi cao tận cổng trời, nay bừng lên thành vùng quê trù phú vừa yên ả, vừa tưng bừng nhịp sống mới. Ta đi giữa ban ngày, thả hồn theo những dòng người sắm tết mà như thực như mơ. Đâu rồi, những con đường đá cấp phối sống trâu gầy guộc? Đâu rồi, những bến tàu, bến xe chen chúc khách đi về? 

Đâu rồi, những bến sông xưa như Âu Lâu, Đò Chanh, Bách Lẫm, Ngòi Hút, Mậu A? Ngày ấy, từ con đường nhỏ ra bến đợi đò, ta vẫn ước bên kia sông có một mỏ vàng, mỏ sắt để Nhà nước bắc cầu qua sông. Thế rồi, mãi những năm 90 của thế kỷ trước, cây cầu đầu tiên đã nối đôi bờ sông Hồng. Đó là sự chắt chiu, gắng sức của biết bao lớp người từng trăn trở vì một Yên Bái giàu đẹp, tươi sáng hơn. 

Cây cầu chỉ một nửa phía trên vòm có thanh giằng để tiết kiệm sắt thép cho vừa với túi tiền một tỉnh nghèo nhưng cũng tạo dáng khác lạ, đáng yêu để các họa sĩ thi nhau vẽ tranh về nó, rồi ai cũng thấy đẹp! Mà đẹp thật! Cái đẹp bởi tự lòng ta yêu quí nó như yêu đứa trẻ mới chào đời. 

Thế rồi, không ai bảo ai, các sở, ngành có khách tỉnh bạn đến thăm đều tặng một bức tranh sơn mài "Cầu Yên Bái" - biểu tượng của sức vươn đang bật dậy từ một vùng quê nghèo. Tổng Bí thư Đỗ Mười lên Yên Bái cũng được mời đến thăm cầu - công trình lớn đầu tiên của thế kỷ XX trên quê hương ta. 

Mà lớn thật! 80 năm Pháp đô hộ nước ta, họ chỉ xây được cầu Long Biên qua sông Hồng. Ngược dòng sông ấy hôm nay đã có cả chục cây cầu. Riêng đoạn qua Yên Bái có 6 cây cầu sừng sững, có cả cầu dây văng, làm nên một thành phố mới trên bến dưới thuyền ngày càng mở mang, sầm uất. 

Đã có một thời ta tặng bạn bức tranh vẽ cây cầu, bạn về rồi, một người nào đó nói vui: Quê em có một cây cầu/ Tặng đi tặng lại cho sầu lòng anh! Hôm nay, những cây cầu vẫn hút hồn các nghệ sĩ nhiếp ảnh, quay phim, vẽ tranh đến ghi lại những kỳ tích mới của thế hệ mới đang quyết tâm đưa Yên Bái sang sông để mở rộng thành phố lên tầm vóc mới. 

Ngày đất nước còn nghèo, quê hương chưa đủ sức, Quảng trường 19/8 ngổn ngang những đồi gò. Nơi làm nhà văn hóa ngoài trời với những bậc ghế ngồi dựa vào thế núi, nơi đặt trụ sở cơ quan mặt tiền hướng ra đại lộ những dốc thẳng đứng, khách phải vòng cổng sau ngược lên… thì nay là cả một không gian thoáng đãng, có đài phun nước, đèn hoa rực rỡ và có cả đường hoa cho khách du xuân. Khu trung tâm đã hình thành nối với đường đi muôn ngả. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đầu xuân Kỷ Hợi về với Yên Bái dự lễ phát động trồng cây đã thổ lộ: "Tôi đã đến Yên Bái nhiều lần, từ hồi còn làm ở Tạp chí Cộng Sản, mỗi lần lên thấy mỗi khác, nay đã hình thành khu trung tâm nối với đường cao tốc, khác xưa nhiều lắm!”.



Cầu Yên Bái - cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ nhũng năm đầu thập niên 1990.

Mỗi mùa xuân qua, quê hương lại thay áo mới. Từ thành phố ngược lên phía Bắc, ta gặp những ruộng hoa rực rỡ bên vạt rau xanh nối tiếp với những ruộng lúa, nương dâu bát ngát của Trấn Yên. Niềm vui bừng sáng trong nụ cười người đi chợ tết, bởi huyện vừa vượt qua một chặng đường đầy gian truân để cán đích huyện nông thôn mới. 

Đến với Văn Yên, ta ngỡ ngàng bởi nhà xây mái ngói như nấm, như măng xen với bạt ngàn xanh của quế, keo, dâu, lúa. Văn Yên như nàng tiên bước ra từ huyền thoại níu giữ chân người đã đến nơi đây. Về phía Tây, đến với Văn Chấn - Mường Lò gạo trắng nước trong, nay đã có thêm nhiều vườn cam đỏ mọng, những cánh đồng vụ đông ngô, rau tít tắp. 

Còn nhớ vài chục năm trước, có lần nghe câu hát "Anh có vào Nghĩa Lộ với em không?", một người bạn từ miền xuôi lên đã nói vui: "Muốn về lắm nhưng ra chợ thấy vài con tép đồng bày trên lá khoai bán thì thật buồn!”. Người bạn của tôi hôm nay có về miền Tây chắc không khỏi ngỡ ngàng bởi những dòng người Thái, Mông, Dao… tấp nập đưa hàng vùng cao về chợ. Gạo nếp Tú Lệ, gạo Séng cù, nếp cẩm, gà đen đặc sản, thảo quả, sơn tra, chè Phình Hồ sánh vai với chè Suối Giàng mời gọi… Ta chạnh nhớ về một thời ai đó đã ước ao: Bao giờ Nghĩa Lộ có kem/ Suối Giàng có điện thì em lấy chàng!

Vậy mà, hôm nay khắp mọi mường thấp, bản cao quê ta điện sáng như sao. Ta lại nao nao nhớ về một thời hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải không hề có chợ, mà nay chợ đã đến tận bản làng. Những cô gái Mông xúng xính áo váy hoa, lấp lóa vòng bạc, những chàng trai Mông khỏe khoắn trên những chiếc xe Honda đời mới, điện thoại cầm tay nô nức cùng nhau xuống chợ. Trong giá rét vùng cao vẫn xanh đồng những luống mạ được che sương, tắm nắng đợi xuân. 

Du xuân hồ Thác thẳm xanh. Những lồng cá, ao nuôi có lưới chắn đang thay dần đánh bắt tự nhiên và còn có cả cá tầm đặc sản được nuôi đem về cho Yên Bình thêm thương hiệu mới cùng gạo Bạch Hà, gà Vũ Linh, bưởi Đại Minh… Ngược sông Chảy lên mạn Lục Yên - nơi có ngọc quý, gà thiến, vịt bầu, hồng, cam… để người đi nhớ mãi, nay thêm những khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn san sát làm cho phố huyện thêm sầm uất. 

Những người đã đi qua chiến tranh, người đã từng nghèo khổ nhạt muối vơi cơm, xuân này trở lại Yên Bái không khỏi nao lòng thương người đã đi xa chịu thiệt thòi không còn được nhìn thấy hôm nay quê hương mình đổi thay diệu kỳ đến thế. 

Chào nhé! Năm Kỷ Hợi 2019 - một năm có biết bao trở ngại từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, bệnh dịch tả lợn châu Phi đến sự bất thường của khí hậu, thời tiết là những rào cản làm khó cho ta, nhưng chúng ta đã vượt qua để khi cánh cửa năm cũ khép lại, ta vui mừng nhận ra sức mạnh từ ý chí, niềm tin đã đền đáp xứng đáng với nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân Yên Bái. 

Đó là năm kinh tế - xã hội tiếp tục đạt kết quả khá toàn diện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tốc độ tăng sản phẩm đạt khá; các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, thương mại, dịch vụ, thu ngân sách tiếp tục tăng trưởng; môi trường đầu tư được cải thiện thêm; thực hiện có hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đạt kết quả tích cực; đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đạt 15.000 tỷ đồng; 30/32 chỉ tiêu của năm đều đạt và vượt mục tiêu đề ra (hai chỉ tiêu không đạt là do cơn bão bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra); du lịch đạt kết quả rất tích cực và đã thu thút hơn 70 vạn khách trong, ngoài nước.

Quốc phòng được củng cố vững chắc, an ninh đảm bảo, chính trị ổn định; Đảng và hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh; nhân dân phấn khởi, tin tưởng, quyết một lòng theo Đảng xây dựng cuộc sống ngày thêm ấm no, hạnh phúc.

Tự hào và tin yêu, ta mở lòng đón xuân Canh Tý với bao ước vọng, khát khao cùng đất nước hân hoan mừng 90 mùa xuân có Đảng. Nhiều sự kiện lịch sử trọng đại cùng với năm đại hội các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng là ngọn cờ vẫy gọi, giục bước ta lên đường. "Tiếp tục tăng tốc, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả" là tiếng kèn xung trận; là ngọn lửa hồng rực cháy trong tim thôi thúc ta bước vào xuân mới, xiết chặt tay muôn người như một, vững vàng đi tới những mùa xuân. 

Ngân Hà