Đầu xuân trảy hội đình Khả Lĩnh

  • Cập nhật: Chủ nhật, 26/1/2020 | 10:32:28 AM

YênBái - Không khí lễ hội đã rộn ràng khắp sân đình, người dân từ các thôn hối hả mang theo những mâm lễ đầy ắp xôi, gà, hoa quả và đặc sản bưởi tiến vua...

Đi qua những cung đường uốn ượn hai bên là những vườn bưởi xanh rì đang độ bung hoa thơm ngát trong tiết trời lất phất mưa xuân, chúng tôi đến với lễ hội đình Khả Lĩnh. Từ sớm, không khí lễ hội đã rộn ràng khắp sân đình, người dân từ các thôn hối hả mang theo những mâm lễ đầy ắp xôi, gà, hoa quả và đặc sản bưởi tiến vua - bưởi Khả Lĩnh thành kính dâng lên Thành hoàng làng và các vị thần linh để cầu mong một năm bình an, sung túc. 

Ông Nguyễn Văn Hòe - Chủ tế Lễ hội đình Khả Lĩnh chia sẻ: "Các cụ cao tuổi họ Nguyễn ở thôn Khả Lĩnh kể rằng, vào cuối thế kỷ XVII, ông tổ của dòng họ này có thể là họ Ngô, vì tránh sự truy sát của triều đình, hoặc do chán ghét cảnh nội chiến giữa các thế lực phong kiến thời bấy giờ nên đã chọn việc mai danh ẩn tích, đổi họ, đổi tên, làm ruộng, lập trang ấp. Dòng họ Nguyễn đặt tên làng là Khả Lĩnh vì muốn có sự liên quan đến vùng đất thiêng núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ), nơi có đền thờ các vị vua Hùng”.

Cũng theo sử sách ghi lại, đình Khả Lĩnh được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII, theo kiểu chữ nhị, có tường vây bốn phía. 

Vị trí đình nằm ở khu đất đẹp thuộc thôn Khả Lĩnh, cách bờ hữu sông Chảy chừng bốn trăm mét. Đình thờ thần Cao Sơn Đại vương và Thành hoàng làng là ông tổ họ Nguyễn, đã có công khai vỡ đất hoang, làm ruộng, cấy lúa nước, trồng bưởi, lập làng. Nơi đây, dân làng Khả Lĩnh đã anh dũng, sát cánh cùng nghĩa quân Cần vương, đào hào, đắp lũy ngang làng, chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. 

Cách mạng tháng Tám, năm 1945 thành công, cờ đỏ sao vàng đã được treo trước cửa đình trong buổi lễ ra mắt chính quyền cách mạng lâm thời xã. Ngày mùng 6/1/1946, nhân dân nô nức đến đình bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Từ năm 2004, tỉnh Yên Bái công nhận đình Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình là Di tích lịch sử - kiến trúc cấp tỉnh. Cũng kể từ đó, ngày hội làng được tổ chức thường xuyên vào ngày mùng 6 - 7 tháng Giêng và ngày rằm tháng 8 âm lịch. 

Trước khi mở hội, làng làm lễ mở cửa đình. Lễ vật được dâng tế là hoa quả, trầu cau, gà và lợn đen tuyền. Để chuẩn bị tham gia rước nước vào đình, 13 người khỏe mạnh sẽ được lựa chọn và mặc trang phục truyền thống mới nhất, đẹp nhất. 

Nghi lễ lấy nước thực hiện ở giếng Mỏ Cò, đây là nguồn nước thiêng bởi mạch nước từ đây đã mang lại những mùa màng bội thu, cho bưởi Khả Lĩnh bao đời thơm ngon. Đoàn rước với nhiều màu sắc rực rỡ đan xen với cờ hội, len qua những vườn bưởi xanh ngắt hướng về sân đình. 

Đoàn rước về đến sân đình, tiếng trống khai hội vang lên, phần tế lễ được thực hiện trong khoảng một giờ đồng hồ với không khí trang nghiêm, thành kính, hòa trong tiếng nhạc du dương của các nhạc cụ dân tộc như sáo, đàn bầu, trống... Tất cả hòa quyện, thể hiện nét đẹp phong tục tập quán truyền thống của quê hương. 

Là người đã được giao đảm nhiệm vị trí chủ tế nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Hòe chia sẻ: "Chủ tế là người được dân làng lựa chọn kỹ càng nhất trong thành phần ban tế. Thông thường, chủ tế là bậc cao niên, khỏe mạnh, là người có uy tín, được bà con nhân dân tin tưởng, kính trọng, gia đình chủ tế cũng là gia đình gương mẫu ở địa phương. Sau phần tế lễ, cả làng sẽ cùng tham gia phần hội sôi động, hấp dẫn như: trống hội, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, bóng chuyền được diễn ra ngay tại sân đình”.

Lễ hội đình Khả Lĩnh trở thành điểm hẹn văn hóa tâm linh, là dịp để người dân địa phương và du khách gần xa quây quần tụ hội ngày đầu xuân mới. Để cùng nhau hướng về nguồn cội và nhắc nhớ trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần mà cha ông đã bao đời gìn giữ.

Hoài Văn