Văn Yên: Trồng quế hữu cơ có nhiều lợi ích

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/2/2020 | 1:52:23 PM

YênBái - Thôn Khe Mạng trồng nhiều quế nhất xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên. Gia đình ông Đặng Thừa Châu là một trong số các hộ trồng nhiều quế nhất và có thu nhập cao ở Khe Mạng. Cuối năm 2018, nhà ông cũng là một trong số các hộ đầu tiên ở Khe Mạng nói riêng, ở Phong Dụ Thượng nói chung đăng ký sản xuất quế hữu cơ bán cho Công ty cổ phần Visimex.

Mùa thu hoạch quế. Ảnh minh họa
Mùa thu hoạch quế. Ảnh minh họa

Ông Châu cho biết, xưa nay người Dao Khe Mạng trồng quế hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất cứ một loại thuốc hay phân bón nào. Nhà ông cũng vậy, chưa bao giờ dùng thuốc trừ cỏ, phân bón hóa học. Việc làm cỏ đều phát tay, phát máy nhưng chủ yếu phát máy vì diện tích quế của gia đình có tới 20 ha. 

Toàn bộ diện tích này, ông Châu đều đăng ký sản xuất quế hữu cơ. Khi được vận động tham gia sản xuất quế sạch, ông nhận thấy không có nhiều khác biệt so với cách trồng của gia đình và của mọi nhà trong thôn. Tuy nhiên, để bảo đảm yêu cầu thì cũng có những điều ông phải điều chỉnh theo đúng hướng dẫn. 

Cụ thể như khâu phơi vỏ quế, ông không còn như trước đây là bóc xong thì tiện đâu phơi đấy mà đã làm sàn phơi cao so với mặt đất. Với sản phẩm quế vụn, khi phơi phải rải bạt sạch, phơi khô cho vào tải sạch đựng. 

Khâu bảo quản, các sản phẩm quế sau khi phơi khô sẽ được đặt cao, không để sát mặt nền nhà hoặc nền đất, đặc biệt không được để gần hoặc để lẫn các chất độc hại hoặc phân bón hóa học, thuốc trừ sâu. Khâu vận chuyển cũng phải bảo đảm yếu tố vệ sinh an toàn. Ông và các hộ đăng ký sản xuất quế hữu cơ trong thôn, trong xã được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể. 

Quá trình thực hiện sản xuất có cán bộ kỹ thuật của Công ty cổ phần Visimex thường xuyên kiểm tra và đánh giá sản phẩm thu mua. Ngoài ra, chính các hộ tham gia trồng quế sạch cũng có ý thức giám sát, nhắc nhở lẫn nhau để xây dựng một vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ. 

Năm 2019, nhà ông Châu bán cho Visimex 1 tấn quế vỏ khô đạt tiêu chuẩn hữu cơ với giá 58.000 đồng/kg. Cuối vụ, doanh nghiệp thưởng cho ông 1 triệu đồng bằng tiền mặt và trao tận tay. 

Theo chia sẻ của ông Châu, sản xuất quế hữu cơ thì nhà nào cũng có thể làm chứ không hề khó. Sản xuất quế hữu cơ cũng sẽ giúp cho sản phẩm quế của xã Phong Dụ Thượng nói riêng, của huyện Văn Yên nói chung nâng cao vị thế và uy tín thương hiệu, có sức cạnh tranh tốt hơn, đến được với nhiều thị trường quốc tế hơn, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt, môi trường sống cũng sẽ được bảo vệ tốt hơn cho đời con, đời cháu của người dân địa phương.

Nguyễn Thơm