Nghĩa Lộ sớm ổn định sau sáp nhập thêm xã

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/2/2020 | 8:13:53 AM

YênBái - Từ ngày 1/2/2020, các địa phương của huyện Văn Chấn gồm các xã: Phù Nham, Sơn A, Hạnh Sơn, Phúc Sơn, Thanh Lương, Thạch Lương và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ chính thức được sáp nhập trở thành các xã của thị xã Nghĩa Lộ.

Người dân xã Sơn A đồng thuận cao với việc sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ.
Người dân xã Sơn A đồng thuận cao với việc sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ.


Thị xã Nghĩa Lộ đã chủ động chỉ đạo thực hiện tốt công tác bàn giao tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản và cơ sở vật chất theo quy định; chỉ đạo các xã tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế -  xã hội được giao ngay từ đầu năm để cùng chung sức xây dựng thị xã Nghĩa Lộ ngày một phát triển.

Sơn A chủ yếu là dân tộc Thái và Mường sinh sống, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm năm 2019, đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mang thế mạnh của địa phương như: mô hình trồng rau sạch, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và du lịch cộng đồng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,5%. Sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ, nhiều người dân Sơn A mong và tin rằng, xã tiếp tục được phát huy các thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. 

Ông Sầm Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn A cho biết: "Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên khi phát phiếu lấy ý kiến của nhân dân về chủ trương sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ, tỷ lệ phiếu đồng tình ủng hộ đạt cao - chiếm 99%. Đa số người dân cho rằng, khi sáp nhập về thị xã Nghĩa Lộ có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối tour, tuyến du lịch”. 

Chung tâm lý ấy, chị Hà Thị Vui, thôn Đồng Lơi, xã Thanh Lương chia sẻ: "Thanh Lương quê mình đã đi vào bài hát nổi tiếng "Anh có vào Nghĩa Lộ với em không” qua câu hát "Đêm xòe Thanh Lương xao xuyến hội mùa”, nay thì Thanh Lương đúng là của Nghĩa Lộ rồi. Mình và bà con dân sẽ tiếp tục tích cực lao động, sản xuất, nhất là tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái Mường Lò góp phần xây dựng thị xã văn hóa - du lịch”. 

Đối với xã Nghĩa Lộ, ngay từ ngày đầu sáp nhập đã chủ động thực hiện tốt công tác bàn giao, hoàn thành tờ trình của UBND xã và Nghị quyết của HĐND xã về việc đổi tên các tổ dân phố thành các thôn. Theo đó, khi thuộc huyện Văn Chấn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ có 9 tổ dân phố, nay sáp nhập về thị xã Nghĩa Lộ, thành lập xã Nghĩa Lộ và đổi 9 tổ dân phố thành 9 thôn. 

Ông Phạm  Tiến Tiềm - người dân tổ dân phố 8 cũ bày tỏ: "Chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ việc sáp nhập và cũng mong muốn thị xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân chúng tôi khi làm mới hoặc sử dụng các giấy tờ tùy thân”.

Thực hiện Nghị quyết số 871 ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Yên Bái có hiệu lực từ ngày 1/2/2020, trong đó sáp nhập 6 xã, 1 thị trấn từ huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ, sau khi sáp nhập, thị xã Nghĩa Lộ có 107,78 km vuông diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 68.206 người; có 14 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 4 phường: Cầu Thia, Pú Trạng, Tân An, Trung Tâm và 10 xã: Hạnh Sơn, Nghĩa An, Nghĩa Lộ, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Phù Nham, Phúc Sơn, Sơn A, Thanh Lương, Thạch Lương. 

Để các xã mới sáp nhập nhanh chóng ổn định, đi vào hoạt động hiệu quả, thị xã Nghĩa Lộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo các xã và làm việc trực tiếp với từng xã, đề ra những giải pháp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng xã và có những điều chỉnh phù hợp với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của thị xã, trong đó chú trọng khai thác các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... nhằm đưa đời sống vật chất, tinh thần nhân dân các xã mới sáp nhập ngày càng nâng cao hơn nữa, tạo điều kiện để thị xã sớm đạt các tiêu chí đô thị loại III và xây dựng thành công thị xã văn hóa - du lịch.

Hạnh Quyên