Trấn Yên chủ động phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/2/2020 | 10:48:32 AM

YênBái - Hiện nay, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, các đợt rét đậm rét hại kèm theo mưa, độ ẩm không khí cao đã ảnh hưởng lớn tới ngành nông nghiệp, nhất là nội ngành chăn nuôi.

Người chăn nuôi huyện Trấn Yên chủ động phòng chống rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Người chăn nuôi huyện Trấn Yên chủ động phòng chống rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Trong những năm qua, việc dành quỹ đất cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã làm giảm các bãi chăn thả đàn đại gia súc. Tuy nhiên, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên vẫn xác định phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển đàn đại gia súc vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Để phòng chống rét và dịch bệnh trên các đàn vật nuôi của bà con nông dân, theo như lời của ông Đinh Khắc Huyên - Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh thì: "Lương Thịnh đã chủ động phân công cán bộ phụ trách thôn phối hợp với cán bộ trong khối nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng, gia cố chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn khô và tuyệt đối không thả rông đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp”. 

Là một trong 4 trung tâm kinh tế lớn của huyện, nhưng tỷ trọng của ngành nông nghiệp vẫn chiếm lớn trong cơ cấu kinh tế của xã Hưng Khánh, vì vậy những năm gần đây, Hưng Khánh đã vận động các hộ dân phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, do tình hình dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng xảy ra năm 2019 đã làm giảm đầu đàn đại gia súc của xã. Hiện xã Hưng Khánh có trên 260 con trâu bò, gần 1.000 con lợn. 

Để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, ông Trần Văn Tam – Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh nói: "Hưng Khánh vận động người dân không thả rông, che chắn chồng trại, dự trữ thức ăn, tiến hành phun tiêu độc khử trùng…nhằm giữ vững đầu đàn làm điều kiện tốt để khi nắng ấm, hết dịch bệnh sẽ tái đàn”. 

Hiện nay, trên địa bàn một số huyện trong tỉnh đã tái phát lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… Vì thế, các địa phương trong huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, chủ động xây dựng kế hoạch tiêm phòng, phung tiêu độc khử trùng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình thực hành chăn nuôi, quy trình phòng bệnh tổng hợp… giúp người dân nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó tự giác thực hiện. 

Ông Phạm Thăng Long - Chủ tịch UBND xã Nga Quán cho rằng: "Ngoài phun thuốc tiêu độc khử trùng trước và sau dịp Tết nguyên đán, Ban chỉ đạo xã Nga Quán thường xuyên kiểm tra, theo dõi các cơ sở chăn nuôi, để nắm bắt kịp thời diễn biến dịch bệnh của đàn vật nuôi, nếu có dịch bệnh sẽ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ ”.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp tại thời điểm cuối năm 2019, huyện Trấn Yên hiện có tổng đàn gia súc chính trên 49.000 con, trong đó đàn trâu trên 4.300 con; đàn bò 1.110 con; đàn lợn gần 44.000 con và gần 1,1 triệu con gia cầm; trong đó có 602 cơ sở chăn nuôi hàng hóa. 

Rút kinh nghiệm từ các đợt dịch bệnh trước, huyện Trấn Yên đã kiện toàn ban chỉ đạo và phân công các thành viên trực tiếp chỉ đạo, tuyên truyền cho người dân cách phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. 

Các cơ quan trong khối nông nghiệp tăng cường cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình; chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức tập huấn, phát hành nghìn tờ rơi, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt hộ nông dân về các biện pháp quản lý, chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại và thời kỳ dễ xảy ra dịch bệnh; cấp phát nhiều đợt thuốc tiêu độc khử trùng. Đồng thời kêu gọi công tác xã hội hóa trong công tác phòng chống rét, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. 

Bà Nguyễn Thị Vui – Phó Trưởng phòng NN&PTNT khẳng định: "Trong nhiều năm qua, Trấn Yên đã làm tốt công tác xã hội hóa, tức là có sự tham gia của các doanh nghiệp, trang trại, gia trại, gia đình trong việc phòng chống dịch bệnh, từ việc bố trí nhân lực, vật lực, KHKT… qua đó từng bước giảm chi phí hỗ trợ của Nhà nước cho công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi”. 

Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa và dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương thì trên hết vẫn là ý thức tự giác chấp hành của người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh. Có như vậy, dịch bệnh mới được kiểm soát và xử lý kịp thời góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao thu nhập cho chính người dân.

Thanh Hùng (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)