Sùng A Tu - Người đi đầu nuôi nhốt trâu, bò

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/2/2020 | 8:00:57 AM

YênBái - Vùng cao Trạm Tấu đất rộng, nhiều diện tích chăn thả, vì sao Sùng A Tu lại chon cách nuôi nhốt trâu, bò vôn là gia súc có thể thả cho gặm cỏ, không tốn công chăm sóc?

Anh Sùng A Tu sử dụng máy băm cỏ thay sức người.
Anh Sùng A Tu sử dụng máy băm cỏ thay sức người.

Lớn lên ở vùng cao nên anh Sùng A Tu ở thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu không xa lạ gì với kiểu chăn nuôi trâu, bò thả rông. Bởi vậy, anh hiểu rõ về những tổn thất kinh tế không đáng có do trâu, bò chết rét, dịch bệnh, mất trộm, ngã dốc...

Do đó, năm 2019, anh mạnh dạn xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt với quy mô từ 10 con trở lên để phát triển kinh tế cũng như tạo tiền đề cho bà con địa phương thay đổi tư duy về chăn nuôi trâu, bò. 

Ưu điểm của nuôi nhốt là tận dụng được các diện tích đất trống để trồng cỏ, không bỏ lãng phí rơm rạ, thân ngô; hạn chế chết rét, mất trộm, dịch bệnh do thả rông... Trong quá trình chăn nuôi, anh Tu chịu khó đi học các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò, kỹ thuật trồng các loại cỏ làm thức ăn chăn nuôi và tham quan các mô hình nuôi nhốt ở địa phương khác. 

Anh Sùng A Tu cho biết: "Tôi chọn mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt là vì phù hợp với trình độ lao động, điều kiện kinh tế gia đình và địa phương. Tôi thấy nuôi nhốt không chỉ hạn chế được vấn đề dịch bệnh, đói, rét mà vật nuôi còn được chăm sóc, cho ăn có giờ giấc nên lớn nhanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, mặc dù không có vốn nhưng tôi mạnh dạn vay vốn để mua giống trâu, bò với tổng đàn bước đầu 12 con và làm chuồng trại, mua máy băm cỏ”. 

Để đảm bảo thức ăn cho trâu, bò, hàng năm, với 5 sào ruộng 2 vụ anh đều phơi rơm dự trữ, tận dụng thân, lá ngô 2 vụ trên diện tích hơn 1 ha, trồng gần 1 ha cỏ để đảm bảo thức ăn quanh năm. Sau gần một năm được nuôi nhốt, đàn trâu, bò của anh Tu đã tăng lên 14 con và lớn nhanh, béo đẹp hơn so với trâu, bò nuôi thả rông. Kết quả đó càng tạo thêm động lực cho gia đình anh phát triển chăn nuôi. 

Trao đổi về hướng chăn nuôi này, ông Tráng A Hồ - Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu cho biết: "Là xã vùng cao, kinh tế chủ lực của nhân dân chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc và sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên do trình độ lao động của bà con còn hạn chế nên từ trước đến nay vẫn phát triển theo kinh nghiệm truyền thống là chính. Vì vậy, chúng tôi rất ủng hộ việc phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung có áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Trong đó, mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi nhốt của anh Sùng A Tu là cơ sở cho địa phương tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới để từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trong chăn nuôi, giúp xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững”.

Từ thực tế cho thấy, đàn vật nuôi của gia đình anh Tu được nuôi theo hướng nuôi nhốt, không di chuyển nên hạn chế được các vấn đề mà lâu nay vẫn phổ biến trong chăn nuôi ở vùng cao như dịch bệnh, chết đói, rét, lăn dốc... cũng như được chăm sóc, ăn uống đều giúp vật nuôi lớn nhanh, béo đẹp được người tiêu thụ ưa chuộng. Qua đó, mô hình đang được nhiều hộ ở địa phương đến tham quan, học hỏi.

 A Mua