Yên Bái phát triển mạnh kinh tế tư nhân

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/2/2020 | 7:58:19 AM

YênBái - Hết năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 2.160 doanh nghiệp; hơn 400 hợp tác xã; trên 3.000 tổ hợp tác và trên 20.000 hộ kinh doanh.

Các xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình đã tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. (Ảnh: T.L)
Các xưởng chế biến gỗ rừng trồng ở xã Tân Hương, huyện Yên Bình đã tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương. (Ảnh: T.L)

Thực hiện chủ trương phát triển mạnh kinh tế tư nhân (KTTN) hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, những năm gần đây, khu vực KTTN của tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển cả về số lượng, quy mô, chất lượng, từng bước khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế, chính sách phát triển KTTN tiếp tục được hoàn thiện; môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện.

Hết năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 2.160 doanh nghiệp; hơn 400 hợp tác xã; trên 3.000 tổ hợp tác và trên 20.000 hộ kinh doanh. Giai đoạn 2016 - 2019, có khoảng 189 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, trong đó, có 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 61.078,5 tỷ đồng và 253,97 triệu USD,  gồm 19 dự án lĩnh vực nông lâm nghiệp, 123 dự án lĩnh vực công nghiệp, 47 dự án lĩnh vực thương mại dịch vụ. 

Trong đó, năm 2019 dự kiến cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 54 dự án, tăng 19 dự án so với năm 2018; tổng vốn đăng ký đầu tư ước đạt 16.786 tỷ đồng, tăng 15.848 tỷ đồng so với năm 2018. 

Quan tâm khuyến khích phát triển doanh nghiệp và triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 15/3/2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08 quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019-2025. 

Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Giai đoạn 2016 - 2019, có 922 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký trên 12.200 tỷ đồng; có 220 hợp tác xã thành lập mới, với số vốn đăng ký khoảng 500 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019, thành lập mới gần 300 doanh nghiệp; gần 100 hợp tác xã, đạt trên 150% kế hoạch năm; 2.250 tổ hợp tác, bằng 102,3% kế hoạch năm. 

Tỉnh duy trì và tổ chức có hiệu quả chương trình gặp gỡ, trao đổi qua hình thức Chương trình "Cà phê doanh nhân”, "Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" định kỳ 1 tháng/lần với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Được biết, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 19 cuộc đối thoại "Cà phê doanh nhân”, trong đó, có 12 cuộc đối thoại tổ chức tại khu vực thành phố, 7 cuộc đối thoại tổ chức tại các huyện, thị xã trong tỉnh. 

Đã có 154 ý kiến, kiến nghị được các nhà đầu tư, doanh nghiệp phản ánh trong các cuộc đối thoại, trong đó, có gần 140 ý kiến, kiến nghị đã được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ngành tiếp thu, giải quyết và xử lý trực tiếp dưới nhiều hình thức với sự đồng thuận của doanh nghiệp. 

Đối với các câu hỏi cần được xem xét, nghiên cứu sau buổi gặp mặt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành theo thẩm quyền có văn bản trả lời hoặc cử cán bộ trực tiếp xuống giải quyết cùng doanh nghiệp. Cùng đó, tỉnh còn thực hiện tiếp nhận, xử lý các câu hỏi trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh đối với các ngành về các lĩnh vực liên quan chủ yếu: thuế, đất đai, xây dựng… để trợ giúp, hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp, người dân trong tỉnh. 

Tỉnh cũng đã ban hành, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tổ chức bình xét, lựa chọn để tuyên dương doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu có thành tích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 hàng năm. 

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hội nhập và phát triển; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho các doanh nghiệp (Maketing, giới thiệu sản phẩm, thị trường, quản lý kinh tế, kỹ năng xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, ngành nghề…); xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết với thị trường quốc tế. 

Đồng thời, triển khai có hiệu quả các nội dung trong Bản cam kết giữa tỉnh Yên Bái với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. 

Để KTTN phát triển hiệu quả, bền vững, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế của địa phương, tỉnh đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích thành lập doanh nghiệp đi đôi với nâng cao chất lượng doanh nghiệp. 

Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề, lĩnh vực theo quy định của pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích thu hút và phát triển các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nông lâm sản, các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ở những địa bàn khó khăn...

Minh Thúy