Yên Bái tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy trong hoạt động tư pháp

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/2/2020 | 8:02:21 AM

YênBái - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh có chức năng tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác CCTP.

Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái trên đường Nguyễn Tất Thành - thành phố Yên Bái.
Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái trên đường Nguyễn Tất Thành - thành phố Yên Bái.

Nhằm thực hiện nghiêm chủ trương "Đảng lãnh đạo chặt chẽ hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp về chính trị, tổ chức cán bộ; khắc phục tình trạng cấp ủy đảng buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh có chức năng tham mưu, đề xuất cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác CCTP. Đồng thời, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan thường trực. 

Theo đó, tại Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các huyện, thị, thành ủy đều quy định rõ sự lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác tổ chức, cán bộ và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan tư pháp. 

Cụ thể, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện các chủ trương của Đảng đối với công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng (PCTN) và thực hiện nhiệm vụ theo chương trình CCTP ở địa phương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng hoạt động công tác nội chính, điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, tư pháp, CCTP, đấu tranh PCTN, lãng phí và xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp theo quy định; Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về chủ trương xử lý một số vụ, việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp có liên quan đến an ninh chính trị, đối ngoại hoặc còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tư pháp. 

Bên cạnh đó, Thường trực cấp ủy còn duy trì việc thực hiện giao ban định kỳ với các cơ quan tư pháp; chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị "Về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”. 

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến vào một số vụ án lớn như: vụ Lương Bá Thông và đồng phạm phạm tội "Gián điệp”; vụ Lê Minh Hải và đồng bọn phạm các tội "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, làm môi giới hối lộ và buôn lậu”; vụ án Trần Thị Hường phạm tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”, "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; vụ án Lê Duy Phong phạm tội "Cưỡng đoạt tài sản”…

Thực hiện kiến nghị của Đoàn công tác số 3 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nêu tại báo cáo số 03, ngày 27/10/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 70, ngày 2/1/2018 chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc mà đoàn công tác kiến nghị. 

Nhờ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác CCTP nên nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cơ quan tư pháp và các chức danh tư pháp đã được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình của Đảng và Nhà nước. 

Đặc biệt, thực hiện chủ trương "Cơ cấu đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân địa phương tham gia cấp ủy”, nhiệm kỳ 2015 – 2020, đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đều tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Chánh án Tòa án nhân dân của 9/9 huyện, thị, thành phố tham gia cấp ủy cùng cấp. 

Cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác tư pháp trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, cấp ủy các cấp trong tỉnh còn tích cực đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo xử lý các vụ, việc, vụ án phức tạp, nghiêm trọng hoặc có sự vướng mắc, chưa thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; trong quá trình xử lý, cho chủ trương chỉ đạo, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chủ trương không chỉ đạo "về tội danh và mức án”. 

Nhờ đó, công tác điều tra, xử lý tội phạm, thực hành quyền công tố, kiểm soát các hoạt động tư pháp, công tác xét xử, thi hành án của tỉnh những năm qua đã có nhiều tiến bộ, không để xảy ra tình trạng án oan sai. Công tác xã hội hóa một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp và đầu tư xây dựng trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc cho các cơ quan tư pháp đã được cấp ủy các cấp quan tâm và đẩy mạnh thực hiện. 

Chỉ tính riêng trong năm 2019 vừa qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành tư pháp Trung ương đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp như: nâng cấp, sửa chữa nhà tạm giữ, tạm giam, xây dựng kho vật chứng của công an các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên và đang xây dựng nhà tạm giữ của Công an huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải bằng vốn ngân sách địa phương. 

Đặc biệt, trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh đã hoàn thiện xong giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng ngay trong quý I năm 2019. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã triển khai bổ sung trang bị mới nhiều thiết bị phục vụ công tác cho các đơn vị trong ngành và tiến hành sửa chữa, bảo trì trụ sở một số viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Cơ sở vật chất của các tổ chức bổ trợ tư pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ với những vị trí thuận tiện cho hoạt động công tác chuyên môn.

Nhờ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong công tác CCTP nên những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không phát sinh "điểm nóng" về khiếu nại, tố cáo. 

Các cơ quan khối nội chính đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch nên tình hình vi phạm, tội phạm đã được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển ổn định.

Thanh Hương