Động lực mới cho quan hệ Mỹ - Ấn Độ

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/2/2020 | 8:11:45 AM

Chuyến công du tới Ấn Độ trong hai ngày (24 và 25-2) của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường mối quan hệ chiến lược song phương, cũng như phát đi một thông điệp rõ ràng về sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước đồng minh.

Ấn Độ tăng cường an ninh trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ D.Trump.
Ấn Độ tăng cường an ninh trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ D.Trump.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ của Tổng thống D.Trump kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ đang tồn tại những bất đồng, đặc biệt là về thương mại. Căng thẳng thương mại bắt đầu nhen nhóm từ tháng 3-2018 khi Tổng thống D.Trump thúc đẩy chính sách "Nước Mỹ trước tiên", với việc áp các mức thuế cao hơn đối với sản phẩm nhôm, thép từ nước ngoài, trong đó có Ấn Độ, ở mức lần lượt 10% và 25%. 

Nhằm gia tăng áp lực mở cửa thị trường với Ấn Độ, kể từ ngày 5-6-2019, Mỹ chính thức chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP). Đáp trả, New Delhi áp thuế nhập khẩu lên một số sản phẩm từ Mỹ.

Không chỉ có vậy, việc Ấn Độ xúc tiến kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng là trở ngại lớn trong quan hệ hai nước, làm dấy lên khả năng Washington áp đặt thêm biện pháp trừng phạt New Delhi. 

Ngoài những bất đồng nêu trên, quan hệ hai nước cũng bị chia rẽ khi chính quyền Tổng thống D.Trump đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt Ấn Độ nếu nước này mua dầu của Iran. Ấn Độ là thị trường hàng đầu của ngành dầu mỏ Iran, chỉ sau Trung Quốc. Đến nay, Ấn Độ vẫn chưa quyết định về việc có cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran hay không.

Khi lên cầm quyền, Tổng thống D.Trump đã đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nâng cao hơn nữa vai trò của Ấn Độ trong cục diện an ninh khu vực. Do đó chuyến thăm được cho là sẽ tạo động lực tăng cường hợp tác trong khuôn khổ chiến lược này. 

Các nhà phân tích đã chỉ ra một số điểm đáng chờ đợi từ chuyến đi của người đứng đầu nước Mỹ tới Ấn Độ. Những vấn đề đó sẽ được đề cập trực tiếp trong cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn dự kiến diễn ra ngày 25-2 (giờ địa phương). 

Theo đó, hai bên sẽ cùng chia sẻ quan điểm theo đuổi mối quan hệ song phương gắn bó hơn nữa, đặc biệt vấn đề hàn gắn mối quan hệ song phương vốn bị tổn thương do các tranh cãi về thương mại; việc Ấn Độ mua hệ thống S-400 của Nga; vấn đề chống khủng bố và an ninh quốc gia; vấn đề liên quan đến visa H1B (dành cho lao động có trình độ cao, có thể làm việc tối đa ở Mỹ 6 năm) cũng như tình hình ở Afghanistan; vấn đề Iran và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Dù đang có nhiều khúc mắc nhưng có thể nói cả Mỹ và Ấn Độ đều muốn thúc đẩy mối quan hệ này tiến xa hơn. Việc Tổng thống D.Trump tới New Delhi trong năm bầu cử Tổng thống mang nhiều hàm ý chính trị. Đó là thông điệp tới cộng đồng người Mỹ gốc Ấn rằng chính quyền Mỹ vẫn coi trọng quan hệ với Ấn Độ. Đó còn là các mục tiêu địa chính trị lớn hơn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi Ấn Độ được coi là một phần trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Mỹ.

Để tạo điều kiện cho chuyến đi của Tổng thống D.Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn thương vụ tiềm năng bán Hệ thống vũ khí phòng không tích hợp (IADWS) trị giá 1,867 tỷ USD cho Ấn Độ. Về phần Ấn Độ, ngày 19-2, nội các nước này đã phê chuẩn kế hoạch ký một bản ghi nhớ về quyền sở hữu trí tuệ với Mỹ. 

Dù những khác biệt không thể giải quyết một cách dễ dàng, nhưng chuyến thăm của Tổng thống D.Trump tới Ấn Độ được xem là cơ hội hàn gắn bất đồng và tạo động lực để sưởi ấm mối quan hệ hai nước.

(Theo HNMO)