Vượt lên bóng tối

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/2/2020 | 1:28:39 PM

YênBái - Số phận không may lấy đi đôi mắt, nhưng đã cho anh Nguyễn Ngọc Khuyến đôi bàn tay khéo léo, tinh tế với nghề tẩm quất. Bằng nghị lực sống, anh đã chứng minh cho mọi người thấy người mù có thể vượt lên bóng tối, tìm thấy ánh dương và làm chủ cuộc sống bằng chính sức lao động của mình.

Anh Nguyễn Ngọc Khuyến giác hơi cho khách.
Anh Nguyễn Ngọc Khuyến giác hơi cho khách.

Bóng tối ập đến…

Cơ sở tẩm quất gia truyền người mù Ngọc Khuyến nằm trên đường Lý Thường Kiệt, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái có tiếng vang suốt 10 năm nay. Người chủ cơ sở dáng người cao lớn, vầng trán rộng, giọng nói đậm chất quê. Ngược dòng thời gian, anh kể cho tôi nghe về thời niên thiếu. 

Sinh ra lành lặn giống bao đứa trẻ khác, nhưng rồi biến cố đã ập đến với cậu trò nhỏ ở vùng quê Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ khi năm lên 10 tuổi, trong một lần hiếu kỳ ngồi xem người ta tôi vôi, không may anh bị vôi bắn vào mắt, khiến đôi mắt bị bỏng nặng. 

- Những chuỗi ngày sau đó của tôi là sự ám ảnh, buồn bã, chán nản đến tuyệt vọng! Anh Khuyến nhắc lại chuyện xưa với giọng trầm buồn. 

Rồi việc học tập của anh phải bỏ dở giữa chừng, bạn bè xung quanh không còn thân thiết mà xa lánh anh. Gia đình cố gắng vay mượn tiền chạy chữa cho anh từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho đến Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng không có hiệu quả, vĩnh viễn để lại bóng tối bao trùm đứa con thơ dại. 

Chợt nhớ về kỷ niệm năm 16 tuổi, anh Khuyến kể: "Trong khoảng thời gian điều trị mắt, tôi được ông nội truyền cho nghề tẩm quất gia truyền. Vậy là cứ hàng ngày, ngoài thời gian chữa mắt, chiều chiều, tôi lại tẩm quất cho các bệnh nhân đang điều trị mắt tại Bệnh viện Mắt Trung ương, ngay ven hồ Thiền Quang. 

Ban đầu chỉ với 2 nghìn đến 5 nghìn đồng một lượt, nhưng niềm vui lớn nhất với tôi lúc bấy giờ là được làm việc có ích, quên đi những khó khăn, mặc cảm, tự ti thấy mình sống có ý nghĩa hơn!”. 

… và ánh dương với nghề tẩm quất

Trở về quê nhà, duyên số đã cho anh gặp chị Nguyễn Thị Hoa - công nhân nhà máy đũa, vượt qua những rào cản từ gia đình với tình thương yêu to lớn, chị sẵn sàng cùng anh đồng cam cộng khổ. Ban đầu khi mới lấy nhau, để có công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân là điều khó, vợ chồng anh chỉ quanh quẩn với vài con lợn và đàn gà thả vườn. 

Nuôi khát vọng mở cho mình một cơ sở tẩm quất, mang lại thu nhập ổn định và bản thân anh phải là chỗ dựa vững chắc cho vợ con, anh tham gia Hội Người mù huyện Đoan Hùng để học các lớp phục hồi chức năng tránh va đập khi đi lại, học chữ nổi Braille và nghề xoa bóp, bấm huyệt kết hợp tẩm quất cổ truyền. Sau khi học xong anh quyết định lên Yên Bái lập nghiệp. 

Anh phấn khích kể lại: "Chao ôi, ngày ấy tôi gan thật! Gia đình, vợ con đều can ngăn, nhưng tôi đã nói là làm nên quyết đi chứ không ngại khó, ngại khổ”. 

Anh bảo, vẫn nhớ như in về những ngày gian khó đầu tiên năm 2009 khi lên thành phố Yên Bái lập nghiệp, bắt đầu cuộc sống mới nơi đất khách quê người. Ban đầu anh xin làm thuê cho một quán tẩm quất, mát xa của người mắt sáng với mục đích trải nghiệm thực tế, lấy kinh nghiệm cho bản thân và làm quen với khách hàng. 

Vạn sự khởi đầu để bắt nhịp với cuộc sống mới, nơi ở mới với người bình thường đã là điều khó khăn, trong khi anh lại còn khiếm thị nhưng được ông chủ tin tưởng tạo điều kiện nuôi ăn, ở nên anh cố gắng làm. 

Sau một năm kiên trì làm lụng vất vả anh tích góp được 10 triệu đồng, cộng thêm số tiền vay vốn của Hội Người mù huyện Đoan Hùng và số tiền vay mượn từ bạn bè được 20 triệu đồng nữa anh quyết định thực hiện ước mơ của mình. 

Khởi nghiệp với số vốn 30 triệu đồng, anh thuê một ngôi nhà nhỏ với chi phí 1,2 triệu đồng/ tháng trên đường Lý Thường Kiệt; sắm đầy đủ đồ dùng phục vụ sinh hoạt như chăn, ga, gối, đệm, bếp núc… và các đồ dùng hành nghề tẩm quất. 

Sau đó, anh đón vợ con ở dưới quê lên để tiện đỡ đần công việc. Ban đầu chỉ có vài người khách thân thiết được anh tẩm quất ngày trước hay tới cơ sở, còn đa số những ai chưa biết, lại xì xào với nhau rằng: "Người mù thì nhìn thấy gì mà tẩm quất cơ chứ”. 

Quyết không nản chí, vợ chồng anh động viên nhau cùng cố gắng và đặt làm một chiếc biển lớn đề "Tẩm quất gia truyền người mù Ngọc Khuyến”, rồi phát tờ rơi cho bà con hàng xóm để mọi người biết đến và ủng hộ nhiều hơn. 

Cứ thế, dần dà khách cũng đến đông, mọi người rỉ tai nhau về cơ sở mát xa, tẩm quất người mù Ngọc Khuyến giúp giảm đau xương khớp, giảm đau vai gáy, tê bì chân tay, đa dạng với nhiều liệu trình mát xa, tẩm quất, cạo gió, giác hơi… có giá từ 30 nghìn đến 150 nghìn đồng/lượt. 

Anh Khuyến phấn khởi khoe: "Có tháng phải tới trăm lượt khách, tôi làm việc quần quật không có thời gian nghỉ tay. Năm đầu tiên mới mở cơ sở mà đã thu về trên 60 triệu đồng tiền lãi, đủ để trang trải cuộc sống gia đình”. Và rồi thương hiệu tẩm quất người mù Ngọc Khuyến ngày càng được nhiều người biết đến, công việc làm ăn của anh ngày một khấm khá.

Không chỉ nghĩ đến mình

Giờ đây cơ sở tẩm quất gia truyền Ngọc Khuyến đang là mô hình tiên phong, giúp nhiều người mù xa quê có việc làm. Không chỉ nghĩ đến mình, anh Khuyến còn sẵn sàng hướng dẫn, dạy nghề tẩm quất miễn phí cho nhiều học viên mù. 

Anh gọi điện đến những trung tâm đào tạo phục hồi chức năng người mù Việt Nam, nơi có nhiều người mù đang tìm kiếm việc làm. Những người được tuyển về đều do chính anh đào tạo, cầm tay chỉ việc. 

Người đàn ông mù với tấm lòng sáng đã tạo động lực, truyền cảm hứng cho rất nhiều người cùng cảnh vượt lên số phận, không chỉ ở Yên Bái mà từ khắp các tỉnh thành như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên… đến học nghề và làm cùng anh có khi 4 đến 5 năm, rồi trở về nhà mở cơ sở tẩm quất của riêng mình. Chàng trai mù Liêu Văn Huân ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, không ngại đường sá xa xôi lên thành phố Yên Bái học nghề. 

Anh Huân chia sẻ: "Khi mới vào nghề em không biết làm gì cả. Nhờ có anh Khuyến nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo từng li từng tí, em đã quen dần với công việc tẩm quất, mát xa và từ đó tay nghề được nâng cao. Em cảm thấy mình thật may mắn vì đã gặp được một người tuyệt vời như anh ấy! Anh luôn động viên em phải cố gắng, nỗ lực từng ngày”. 

Ngoài công việc ở cơ sở, anh Khuyến còn tham gia các hoạt động của Hội Người mù tỉnh Yên Bái, hiện tại, anh đang là Ủy viên Ban chấp hành Hội.

Vượt lên bóng tối, trải qua bao khó khăn, vất vả để có được ánh sáng cuộc đời, cơ ngơi hôm nay là cả một nghị lực vươn lên phi thường của người đàn ông mù Nguyễn Ngọc Khuyến. Song chưa dừng ại ở đó, anh Khuyến cho biết mình còn rất nhiều dự định phía trước, trong đó, thời gian tới sẽ mở thêm một cơ sở tẩm quất nữa tại Yên Bái, cũng như tiếp tục nhận dạy nghề mát xa, tẩm quất gia truyền miễn phí cho những người cùng cảnh và quảng bá nhiều hơn nữa để mọi người biết đến và ủng hộ. 

Chia tay anh, người đàn ông khiếm khuyết đầy nghị lực và lạc quan tôi càng cảm phục tâm nguyện cao đẹp của anh, với tấm lòng trong sáng, luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ để họ có cơ hội vượt lên bóng tối, tìm thấy ánh dương của cuộc đời tự tin vươn lên, sống có ý nghĩa, có mục tiêu như chính con người anh!

Bùi Minh