Để luôn xứng tầm Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải - Bài 2: Cần lấp khoảng trống trong bảo tồn, khai thác

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2020 | 8:02:26 AM

YênBái - Ngắm nhìn cảnh quan Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa lúa chín, mùa đổ nước hay mùa cấy, hẳn ai cũng choáng ngợp trước vẻ đẹp bất tận ở nơi này. Tuy nhiên ẩn sau vẻ đẹp ấy đang bộc lộ những bất cập ...

Mùa vàng trên cao nguyên Mù Cang Chải.
Mùa vàng trên cao nguyên Mù Cang Chải.


Tuy nhiên, với những điều tra, nghiên cứu, nắm bắt thực tế những năm gần đây của các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương, các cơ quan chuyên môn lại cho thấy, ẩn sau vẻ đẹp ấy đang bộc lộ những bất cập rất đáng quan ngại. Chúng ta tiếp tục đi theo logic hệ giá trị của Di tích để nhận diện những khoảng trống đó. 

Những mong, việc nhận diện rõ những bất cập, sẽ là cơ sở để các cấp, ngành chuyên môn từ trung ương, địa phương có những giải pháp khoa học hữu hiệu nhất trong bảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả kinh tế từ Di tích.

Tại Hội thảo đánh giá giá trị của Di tích ruộng bậc thang cuối năm 2019, ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, với tư cách là người trực tiếp bám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động kinh tế - xã hội địa phương đã nêu lên một trong những trở ngại lớn nhất với sự phát triển bền vững của Di tích ruộng bậc thang hiện nay liên quan trực tiếp đến hệ sinh thái, hay nói cách khác là liên quan đến yếu tố quyết định trước tiên của việc canh tác ruộng bậc thang, đó là nguồn nước. 

Ông Đức cho rằng: "Biến đổi khí hậu đang tác động rất mạnh và gây tác động xấu đến việc canh tác ruộng bậc thang. Cụ thể, các khe núi cung cấp nước cho canh tác ruộng bậc thang, nếu nhìn bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy lượng nước suy giảm rõ rệt qua từng năm”. 

Từ thực trạng này, ông Vũ Tiến Đức bày tỏ mong muốn, Nhà nước cần có những ưu tiên mang tính đặc thù về tỷ suất đầu tư cho hệ thống thủy lợi và bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn đối với nơi có Di tích quốc gia đặc biệt, tránh việc áp dụng mức đầu tư chung như hiện tại…

Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải giãi bày về một trong những mối băn khoăn lớn nhất đối với ngành nông nghiệp huyện, đó là ruộng bậc thang hiện đang xảy ra tình trạng lở bờ rất nghiêm trọng mà chưa rõ nguyên nhân. 

Việc tuyên truyền, vận động bà con người Mông lùi thời gian thu hoạch lúa để giữ nét không gian mùa vàng tươi đẹp trong khu vực Di tích phục vụ cho hoạt động du lịch cũng vô cùng nan giải. 

Cùng đó, tại các vị trí điểm nhấn (khu vực có ruộng bậc thang đẹp) thu hút đông du khách tới tham quan, chụp ảnh đã có hiện tượng bà con gây trở ngại bằng cách đem bạt ra đậy lên những thửa ruộng của mình làm khó cho người muốn quay phim, chụp ảnh, hoặc "bí mật” gặt trước, gây nên hiện tượng phá vỡ tổng thể cảnh quan mùa lúa chín đúng lúc huyện tổ chức lễ hội văn hóa - du lịch ruộng bậc thang. 

Việc làm này, theo nhiều người dân địa phương, có nguyên nhân xuất phát từ tâm lý so bì hơn thiệt trong hưởng lợi các giá trị tăng thêm (giá trị kinh tế từ du lịch) thông qua việc hỗ trợ tiền cho dân để lùi thời gian gặt không được phủ khắp cho tất cả bà con trong khu vực. 

Thậm chí, bà con so bì cả việc nếu có được hỗ trợ thì cũng không đáng là bao, trong khi anh em xe ôm chỉ đưa đón khách tham quan ở những nơi ruộng đẹp trong vòng mấy ngày mà thu nhập hơn nhiều lần so với người làm ruộng cả vụ… 

Cá biệt, trong thời gian gần đây, có hiện tượng một số nhà nhiếp ảnh ở nơi khác, khi đến mùa lúa chín đã lên thỏa thuận với chủ của những thửa ruộng đẹp rồi trả tiền cao để họ tổ chức gặt tạo hình, đốt rơm tạo khói… theo ý đồ định trước của nhà nhiếp ảnh để họ ghi hình. 

Thậm chí, có cả du khách nước ngoài đến đây liên hệ với dân và trả tiền cao để được thực nghiệm, ghi hình du lịch trải nghiệm cày, bừa trên ruộng bậc thang. Khi du khách hoàn thành công việc của mình thì gia đình có ruộng cũng chẳng cần cấy lại nữa, vì họ đã có thu nhập cao từ việc để cho du khách trải nghiệm. 

Việc xây dựng các công trình kiến trúc hiện đại trong vùng lõi Di tích cũng được các nhà nghiên cứu khuyến cáo, đây là một trong những vấn đề nếu không sớm được khắc phục sẽ gây hậu quả nghiêm trọng phá vỡ cảnh quan Di tích. Tình trạng xây dựng như vậy, nếu sau này tiếp tục làm hồ sơ nâng cấp thành di sản thế giới, chắc chắn sẽ gặp trở ngại khó lường... 

Từ những bất cập trên, các nhà nghiên cứu tại hội thảo đánh giá giá trị của Di tích ruộng bậc thang cuối năm 2019 đều chung nhận định, Di tích ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải lúc này đang đứng trước nhiều mâu thuẫn trong bảo tồn và phát triển. 



Đội ngũ xe ôm đông đảo của bà con người Mông là minh chứng sống động về các giá trị tăng thêm từ du lịch cảnh quan ruộng bậc thang Mù Cang Chải. 

Từ nhận định này, Hội thảo đã có những khuyến nghị trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái cần phải có chiến lược đầu tư, hợp tác nghiên cứu khoa học; xây dựng kế hoạch tuyên truyền; bảo tồn, phát triển Di tích thực sự phải mang tầm chiến lược và có lộ trình bài bản. 

Về hệ sinh thái, cần tập trung nghiên cứu một hệ sinh thái rừng tự nhiên hoàn chỉnh ở Mù Cang Chải. Sau đó, tiếp tục phân khúc nghiên cứu cụ thể hơn về hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên; hệ sinh thái ruộng bậc thang. Những nghiên cứu này, sẽ giúp nhận diện được tổng thể thực trạng hiện nay của hệ sinh thái rừng tự nhiên ở Mù Cang Chải. 

Đồng thời, sẽ là cơ sở tìm ra đáp án cho những câu hỏi như: Vì sao lượng nước tại các khe suối trong vùng Di tích đang bị suy giảm mạnh? Vì sao ruộng bậc thang đang có hiện tượng bị lở bờ khá mạnh như hiện nay... Điều quan trọng hơn cả là, những nghiên cứu đầy đủ về hệ sinh thái còn giúp các cơ quan chuyên môn định lượng được tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái như: du lịch cảnh quan; du lịch mạo hiểm; du lịch nghỉ dưỡng...

Nghiên cứu về sự tương tác của con người vào thiên nhiên, cần tập trung theo hướng đi sâu, làm rõ lịch sử, đặc thù cư trú của tộc người Mông ở Mù Cang Chải và nguồn tri thức bản địa trong tiến trình con người tác động vào môi trường tự nhiên để hình thành nên Di tích; tri thức bản địa trong vận hành hình thái kinh tế truyền thống; trong mối quan hệ cố kết cộng đồng trên mọi khía cạnh đời sống, trong đó, lưu ý những cố kết trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khai phá đất đai, bảo vệ sản xuất và chia sẻ những lợi ích kinh tế...; nghiên cứu tri thức bản địa trong việc hình thành, duy trì hệ thống tâm linh, tín ngưỡng, lễ hội; về y học cổ truyền, về dân ca, dân vũ, dân nhạc và hội họa để tạo nên nét đặc thù văn hóa của tộc người Mông vô cùng đặc sắc và đa dạng...

Từ những nghiên cứu ấy, giúp tỉnh có chiến lược hình thành nên hệ thống các sản phẩm du lịch ở Mù Cang Chải như du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm... Tránh tình trạng từ trước đến nay, du khách đến với Mù Cang Chải chủ yếu theo mùa lúa chín diễn ra trong một thời gian ngắn. 

Đồng thời, các nghiên cứu khoa học còn là cơ sở quan trọng cho một chiến lược tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch nhằm khơi dậy niềm tự hào di sản của người dân bản địa để hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường sinh thái; tích cực thực hiện các mô hình kinh tế dựa trên lợi thế sẵn có gắn với phát triển du lịch; bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống; hạn chế tình trạng nông dân vùng cao phải ly hương vì lý do kinh tế; phát huy được thuần phong, mỹ tục để khắc chế những vấn đề tồn tại, hạn chế nảy sinh từ chia sẻ các giá trị tăng thêm trong khai thác du lịch… 

Đặc biệt, đầu tư nghiên cứu khoa học và xây dựng được chiến lược tuyên truyền, quảng bá tốt sẽ còn tăng cường được tính dự báo những bất cập trong bảo tồn và phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế của di tích từ những hành vi vô thức của con người…

Đích đến cuối cùng trong công tác đầu tư nghiên cứu khoa học cơ bản và xây dựng chiến lược bảo tồn, phát triển Di tích Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, là tạo được những dữ liệu có sức thuyết phục cao nhất đối với các cơ quan chức năng trung ương thẩm định, phê duyệt thành những chương trình, dự án đầu tư phát triển đúng với tầm vóc của Di tích, chứ không phải là những đầu tư đơn lẻ, nhỏ giọt đối với một Di tích có quy mô lớn với nhiều nét đặc thù phức tạp. 

Đồng thời, nghiên cứu khoa học và xây dựng chiến lược bài bản cũng là lộ trình bắt buộc trong bảo tồn, phát triển đối với một Di tích quốc gia đặc biệt và từng bước hướng tới một tương lai xa hơn là nâng tầm thành di sản thế giới và mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững Di tích Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gắn liền với nâng cao đời sống của nhân dân.

Hoàng Nhâm