Yên Bái: Hội nông dân cơ sở ổn định sau sáp nhập

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/3/2020 | 10:54:21 AM

YênBái - Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã có 14/14 cơ sở Hội của 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành việc sáp nhập tổ chức, giảm 7 cơ sở Hội so với năm 2019.

Sau sáp nhập, Hội Nông dân xã Văn Phú tiếp tục hỗ trợ hội viên trồng chanh tứ thời, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sau sáp nhập, Hội Nông dân xã Văn Phú tiếp tục hỗ trợ hội viên trồng chanh tứ thời, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ và Nghị quyết số 871 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 - 2021, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh ban hành Hướng dẫn số 13 về quy trình và thủ tục thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, bàn giao, tiếp nhận tổ chức Hội. 

Trong tháng 2/2020, đã có 14/14 cơ sở Hội của 4 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc sáp nhập tổ chức Hội Nông dân các xã: Yên Hưng vào Yên Thái, Hoàng Thắng vào Xuân Ái, Minh Tiến vào Y Can; Văn Tiến vào Văn Phú, Phúc Lộc vào Giới Phiên, Tích Cốc vào Cảm Nhân, Văn Lãng vào Phú Thịnh.

Hiện Hội Nông dân tỉnh có 173 cơ sở Hội (giảm 7 cơ sở so với năm 2019) với trên 114.000 hội viên nông dân. Hội Nông dân xã mới sáp nhập, chuyển giao, tiếp nhận đã nhanh chóng đi vào hoạt động. 

Anh Phùng Văn Lực - Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Phú, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Xã Văn Phú người dân chủ yếu sống bằng nghề: kinh doanh, sản xuất, nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với 545 hội viên. Xã có 2 Hợp tác xã (HTX) là HTX trồng chanh tứ thời và trồng rau an toàn. Sau khi sáp nhập, Hội cũng đã kiện toàn Ban Chấp hành và phân công nhiệm cụ thể cho từng cán bộ Hội. Hội cũng đã chủ động nắm bắt địa bàn, tư tưởng của hội viên, đồng thời tiếp tục hỗ trợ 2 HTX hoạt động hiệu quả”. 

Như vậy, sau khi sáp nhập, Hội Nông dân xã Văn Phú đã phát huy những lợi thế của địa phương để nhân rộng diện tích đất sản xuất rau an toàn trên bãi soi ven sông và diện tích cây ăn quả có múi trên diện tích đồi gò của xã. 

Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng đã tiếp tục tạo điều kiện để nhân dân mở rộng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn vốn đầu tư cho nhân dân mở rộng sản xuất… Không chỉ tại xã Văn Phú, các địa phương thực hiện sáp nhập khác cũng đã cơ bản hoàn tất mọi công việc cần thiết như: Kiện toàn bộ máy sắp xếp đội ngũ cán bộ để bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ công tác Hội. 

Anh Hà Đức Thuy - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ cho hay: "Trong tháng 2, Hội Nông dân thị xã thực hiện việc tiếp nhận thêm 7 tổ chức Hội Nông dân cơ sở là các xã: Thanh Lương, Thạch Lương, Phù Nham, Phúc Sơn, Hạnh Sơn, Sơn A và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ với tổng 64 chi hội, 17 tổ hội và 8.161 hội viên. Mặc dù hội viên đông hơn và địa bàn rộng so với trước, khối lượng công việc cần thực hiện tăng cao nhưng đội ngũ cán bộ Hội đã nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2020”. 

Được biết, sau khi tiếp nhận 7 cơ sở Hội, Hội Nông dân thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm cũng như việc sắp xếp, bố trí cán bộ Hội hợp lý cũng như từng việc làm cụ thể. Vì vậy, các cơ sở Hội đã triển khai có hoạt động hiệu quả, hội viên yên tâm lao động sản xuất. 

Theo ông Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: "Ngay sau khi thực hiện sáp nhập, các cơ sở Hội nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ nhanh chóng triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội năm 2020 với quyết tâm cao nhất. Đặc biệt, các cơ sở Hội đã kiện toàn và chủ động ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, Hội tập trung vào phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện để hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi phát huy hiệu quả, phát triển ngành nghề thương mại, dịch vụ, sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân”.

Minh Huyền